Tứ linh trong phong thủy Loan đầu chỉ bốn con vật linh thiêng, bao gồm: thanh long, bạch hổ, huyền vũ, chu tước. Nó cũng là đại diện cho các thế núi ở xung quanh của trạch đất.
Tứ linh là gì
Tứ linh, theo Kinh lễ, là “Long Lân Quy Phượng”. Đây là bốn loài linh thú lớn trong thần thoại Trung Hoa và các nước đồng văn. Đây có thể coi là bốn con vật có sức mạnh lớn lao, và được thờ cúng ở nhiều đền chùa.
Bên cạnh đó, cũng có “Thiên Chi Tứ Linh”, hay Tứ Tượng bao gồm: Thanh long (rồng xanh), Bạch hổ (hổ trắng), Huyền vũ (rùa đen cõng rắn) và Chu tước (chim phượng hoàng màu đỏ). Khái niệm Tứ linh này thường được sử dụng trong phong thủy.
Lưu ý: Tứ tượng này chỉ 4 con vật linh thiêng, khác với nghĩa Tứ tượng tách ra từ Lưỡng nghi.
Tứ linh trong phong thủy Loan Đầu
Trong phong thủy Loan Đầu nói riêng, và phong thủy nói chung, người ta sử dụng khái niệm Tứ linh (hay Tứ tượng) để nói lên một chuẩn mực về địa thế xung quanh một căn nhà (trạch đất). Đó là: Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ.
- Bên trái (tả) của nhà là một vách núi cao, vươn dài. Như thế của một con rồng xanh (Thanh long).
- Bên phải (hữu) của nhà là vách núi cũng vươn xa, nhưng thấp hơn. Như một con hổ trắng đang rình mồi (Bạch hổ).
- Đằng sau nhà là dãy núi lớn (chủ sơn) với hình tượng là một con rùa lớn, trên mai cõng con rắn (Huyền vũ).
- Trước mặt là con chim phượng hoàng (Chu tước), một hòn núi nhỏ, hay còn gọi là án sơn, để tránh khí trực xung thẳng vào nhà.
Xung quanh bốn ngọn núi đó là các mạch nước uốn lượn, chảy vòng quanh. Nhằm điều chuyển sinh khí vào trước án Minh đường của nhà.
Huyền vũ sau lưng nhà không nên là một ngọn núi đứng độc lập, mà phải là một dãy núi tiến triển theo nhiều cấp độ từ cao xuống thấp. Đỉnh núi cao nhất gọi là Thái tổ sơn, rồi đi xuống Thiếu tổ sơn. Tiếp theo là Phụ mẫu sơn, cuối cùng mới đến nhà (huyệt kết). Đây chính là đường Long mạch dẫn hướng. Nhà ở cuối đường Long mạch như vậy là đại vượng cát.
Tả sơn đề, Hữu sơn đề
Đây là hai khái niệm có gặp trong một số sách. Nhưng giải thích về hai khái niệm này lại khác nhau.
Có sách viết: long sơn (tức núi ở bên vách Thanh long) mà uốn lượn kỳ vỹ thì gọi là Tả sơn đề. Tương tự núi ở bên vách Bạch hổ mà uốn khúc trùng điệp thì gọi là Hữu sơn đề. Nên nhà mà muốn có phong thủy tốt thì phải đầy đủ: sơn hoàn, thủy bao, tả hữu sơn đề.
Nhưng cũng có sách lại định nghĩa Tả sơn đề tức là bị khuyết núi ở vách Thanh long. Và Hữu sơn đề là khuyết núi ở vách Bạch hổ. Và khi đã khuyết tức là không tốt. Và cần phải tạo dựng, thay thế bằng một “hư sơn”. Nếu theo sách này thì Tả sơn đề và Hữu sơn đề lại là các thế xấu.
Dù cho cách định nghĩa như thế nào, thì cả hai đều có chung quan điểm: các vách Thanh long, Bạch hổ là rất quan trọng. Chúng giúp cho sinh khí được quần tụ ở án Minh đường. Nên nếu bị khuyết thì cần dùng “hư sơn” để “giả lập”.