Sơn thủy là hai yếu tố rất quan trọng trong phong thủy. Vì chúng gây ảnh hưởng tới mạch khí. Mà mạch khí lại là thứ quyết định họa phúc mọi cát hung cho Mệnh và Trạch.
Qua bài viết “Các trường phái trong phong thủy“, ta biết phong thủy có 2 nhánh chính là Hình thế và Lý khí. Nếu như Lý khí đi sâu vào mặt bí ẩn, vô hình như các cung, các sao,… thì Hình thế lại hướng tới những thứ rất cụ thể, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đó là những thứ ở bên ngoài và cả ở trong nhà, có thể gây tác động tới căn nhà.
Trong các yếu tố của Hình thế thì mạch khí là yếu tố quan trọng nhất. Nó quyết định mọi vấn đề họa phúc cát hung. Nhưng khí không dàn trải đều ở mọi nơi. Nó có thể chạy thành dòng, có chỗ lại quần tụ lại, có chỗ tản ra. Có chỗ bị tù, bị đọng, trở thành uế khí. Có chỗ lại là sinh khí tốt lành.
Vậy cái gì quyết định những việc đó?
Phong thủy xác định có 2 thứ ảnh hưởng tới việc luân chuyển, quần tụ,… của dòng khí. Đó là Sơn và Thủy.
Sơn Thủy là gì?
Sơn, Thủy không chỉ hiểu theo nghĩa thông thường. Tức là Sơn là núi, Thủy là nước (biển cả, sông ngòi, ao hồ). Tất nhiên đó là những nghĩa cụ thể nhất. Nhưng trong phong thủy, Sơn Thủy còn là các khái niệm linh động khác, thậm chí là phi vật chất.
Sơn là gì?
Trước hết, Sơn trong phong thủy được hiểu là những gì nhô lên cao. Như núi, đồi, gò, cao nguyên, các con dốc. Ở đô thị đó có thể là các tòa nhà cao tầng. Trong sân vườn thì một khoảnh đất được đắp lên, một bức tường cao, một hòn non bộ cũng được coi là Sơn.
Thậm chí, người ta còn có câu “Thượng nhất thốn vi sơn”, nghĩa là: chỉ một đốt ngón tay cao lên đã là Sơn. Nên nhiều trường hợp với nhà phố chật hẹp, để có Sơn, có thể chỉ cần đắp một gờ nhỏ ở ngưỡng cửa.
Sơn cũng có thể là các yếu tố phi vật chất. Hay còn gọi là Hư sơn, để phân biệt với Thực sơn ở trên. Đó có thể là một bức tranh vẽ cảnh đồi núi, một động đá thạch anh nhỏ,…
Thủy là gì?
Ngược lại với Sơn, Thủy là những gì trũng sâu xuống. Chứ không hẳn chỉ có nước mới là Thủy. Biển cả, sông suối, ao hồ,… đó đương nhiên là Thủy. Nhưng các thung lũng, vực sâu, lòng chảo, đầm lầy,… cũng được coi là Thủy.
Ở đô thị với địa hình thường là bằng phẳng, ít có đồi núi sông suối, thì người ta mở rộng khái niệm: những gì tạo ra sự di chuyển của dòng khí như các con đường cũng được coi là Thủy.
Trong sân vườn thì một tiểu cảnh nước, một hồ bơi, bể cá,… cũng là Thủy.
Thậm chí, còn có câu “Hạ nhất thốn vi thủy”, nghĩa là: chỉ một đốt ngón tay trũng xuống đã là Thủy. Nên nhiều trường hợp với nhà phố chật hẹp, để có Thủy, có thể chỉ cần khoét một rãnh nhỏ ở ngưỡng cửa.
Thủy cũng có thể là các yếu tố phi vật chất. Hay còn gọi là Hư thủy, để phân biệt với Thực thủy ở trên. Đó có thể là một bức tranh vẽ cảnh biển cả, ao hồ. Hay những gì có màu xanh lam, tượng trưng cho hành Thủy…
Tác động của Sơn Thủy tới mạch khí
Như trên đã nói, Sơn Thủy quan trọng vì nó có tác động, ảnh hưởng tới mạch khí. Khí luân chuyển hay tù đọng, là tà khí hay là sinh khí, đều do bố cục Sơn Thủy mà ra. Vì vậy, có thể nói Sơn Thủy đóng một vai trò rất quan trọng.
Sơn thủy làm thay đổi mạch khí như thế nào
Sơn thường cao lớn, vững chãi, nên đóng vai trò chặn khí, bao vây, làm khí tụ lại, không tán đi chỗ khác.
Còn thủy thì chia làm hai loại. Các con suối, con sông nơi nước lưu chuyển thì là nơi dẫn mạch khí đi từ nơi này đến nơi khác. Còn những vùng nước tĩnh như ao hồ thì lại là nơi tích tụ khí.
Các thế nhà có sơn thủy tốt
Có câu “Sơn hoàn thủy bao tất hữu khí”. Nghĩa là, khu đất nào có núi bao bọc, có nước uốn khúc xung quanh thì tất sẽ có khí. Khí ở đây chính là Sinh khí tốt lành.
Hay đơn giản hơn, các cụ thường coi nhà mà “lưng tựa sơn, mặt hướng thủy” là tốt. Bởi vì lưng tựa vào Sơn vững chãi, mạch khí đi từ trước ra sau nhà sẽ bị cản lại, không thất thoát đi. Trước mặt hướng Thủy chính là để sinh khí có thể quần tụ lại, trước khi đi vào nhà.
Tứ linh và long mạch nhà
Người ta còn nhắc đến Tứ linh, hay tứ tượng trong phong thủy. Tứ linh này chỉ 4 con vật linh thiêng, khác với nghĩa Tứ tượng tách ra từ Lưỡng nghi. Đó là: Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ.
- Tức là bên trái (tả) của nhà là một vách núi cao, vươn dài. Như thế của một con rồng xanh (Thanh long).
- Bên phải (hữu) của nhà là vách núi cũng vươn xa, nhưng thấp hơn. Như một con hổ trắng đang rình mồi (Bạch hổ).
- Đằng sau nhà là dãy núi lớn (chủ sơn) với hình tượng là một con rùa lớn, trên mai cõng con rắn (Huyền vũ).
- Trước mặt là con chim phượng hoàng (Chu tước), một hòn núi nhỏ, hay còn gọi là án sơn, để tránh khí trực xung thẳng vào nhà.
Xung quanh bốn ngọn núi đó là các mạch nước uốn lượn, chảy vòng quanh. Nhằm điều chuyển sinh khí vào trước án Minh đường của nhà.
Huyền vũ sau lưng nhà không nên là một ngọn núi đứng độc lập, mà phải là một dãy núi tiến triển theo nhiều cấp độ từ cao xuống thấp. Đỉnh núi cao nhất gọi là Thái tổ sơn, rồi đi xuống Thiếu tổ sơn. Tiếp theo là Phụ mẫu sơn, cuối cùng mới đến nhà (huyệt kết). Đây chính là đường Long mạch dẫn hướng. Nhà ở cuối đường Long mạch như vậy là đại vượng cát.