Thông tin về Trạch Mệnh
Thông tin về Mệnh
- Nam mệnh
- Sinh ngày: 9/5/1978
- Sinh giờ: Nhâm Thìn (7-9h)
- Âm lịch: Ngày 3 tháng 4 năm Mậu Ngọ (Ngày Tân Mùi, tháng Đinh Tị, năm Mậu Ngọ)
- Niên mệnh: Hỏa (Thiên Thượng Hỏa)
- Quái mệnh: Tốn Mộc, thuộc Đông Tứ mệnh
- Là tuổi: Dương Nam
- Tứ trụ: Giờ Nhâm Thìn, ngày Tân Mùi, tháng Đinh Tị, năm Mậu Ngọ
- Phân tích Tứ Trụ Mệnh theo Nguyên Cục Ngũ Hành: Kim (19), Thủy (21), Mộc (9), Hỏa (122), Thổ (54)
- Phân tích Tứ Trụ Mệnh theo Nguyên Cục Âm Dương: Âm (18), Dương (12)
Thông tin về Trạch
- Dương Trạch
- Hướng 122° Đông Nam – Lập Chính hướng
- Tọa Tuất hướng Thìn
- Hướng Đông Nam, thuộc Đông Tứ trạch
- Nhập trạch năm 2024 (Giáp Thìn): Tiểu vận 9, đại vận 3, thuộc Hạ Nguyên
Đồ hình phong thủy
Ghi chú: Hiện tại vẫn đang trong vận 8, đến hết 2023 mới sang vận 9. Nhưng do căn nhà chưa sửa chữa xong, nên dự kiến ngày nhập trạch phải vào năm 2024, là thuộc vận 9. Nên tôi lập đồ hình theo cửu tinh đồ vận 9 luôn.
Phân tích phong thủy nhà
Phần 1 – Hướng nhà
- Căn nhà này trong vận 9 hạ nguyên có cung hướng là cung Tốn Mộc (Đông Nam). Cung này có sao chủ sơn và chủ hướng đồng là sao Cửu Tử Hỏa Tinh. Đây là sao chính vượng tinh của vận 9, khí của nó rất mạnh và bao trùm toàn đồ bàn. Khi sao Cửu Tử phi hết đến cung hướng thì cung này cả sơn và thủy đều quá vượng. Như vậy cũng không thực sự tốt vì Sơn, Thủy cần phân bố đồng đều giữa cung sơn và cung hướng. Như nhà này là cung hướng bị phạm Hạ Thủy (hay còn gọi là thế nhà Song Tinh Đáo Hướng). Thế nhà này có lợi về Tài (tiền tài, công danh) nhưng thiết về Đinh (sức khỏe, gia đạo).
- Để hóa giải thế nhà phạm Hạ Thủy thì trước nhà cần có Sơn (núi). Mục đích của Sơn là để trung hòa bớt Thủy khí đi. Sơn là Dương, Thủy là Âm. Nếu Thủy quá nhiều thì thêm Sơn có thể chế hóa bớt. Nếu như trước nhà để chừa sân trước, thì ở khoảng sân này có thể làm một non bộ giả sơn (chủ yếu là núi, không có nước hoặc ít nước thôi). Làm núi ở sát mé tường bên phải nhà từ trong nhìn ra. Trong bể non bộ nên có nhiều loại cây cảnh.
- Như vậy, nếu so sánh với căn nhà số 1 tại bài viết này, thì cả 2 căn nhà đều bị phạm Hạ Thủy. Trong các thế phạm trong Huyền Không Phi Tinh, thì Hạ Thủy và Thượng Sơn là các phạm nhẹ, không nặng như Thượng Sơn Hạ Thủy. Mặc dù phạm như vậy, nhưng hướng tinh và sơn tinh lại đều là sao chính vượng, nên vẫn có cái tốt ở trong.
- Nếu xét theo Bát Trạch Minh Cảnh, về bát du niên, thì căn này tốt hơn căn kia. Vì căn này chính hướng là cung Phục Vị, so với căn kia là cung Ngũ Quỷ. Cung Phục Vị là cung tượng trưng cho người chủ. Mặc dù không tốt như cung Sinh Khí (là cung đứng đầu trong bát du niên), nhưng Phục Vị cũng là cung đứng thứ hai. Cung này tạo một thế dựa chắc chắn, an toàn, phù hợp với người chủ nhà đứng tuổi, chậm rãi mà chắc chắn.
- Nếu xét về ngũ hành tương sinh tương khắc, thì căn thứ hai này có hướng Đông Nam ứng với hành Mộc. Gia chủ mệnh Hỏa, mà Mộc lại sinh Hỏa, nên nhà bổ trợ mệnh cho gia chủ, rất tốt. Còn căn thứ nhất thì là hướng Tây Bắc thuộc Thổ. Hỏa sinh Thổ, Thổ vượng lên đồng thời Hỏa cũng yếu đi, như vậy Thổ sẽ rút khí lực của Hỏa. Có thể hiểu như người chủ vì xây nhà, sửa nhà, giữ gìn nhà cửa… mà giảm sút sức khỏe, sinh khí. Cho nên nếu xét theo Ngũ hành thì căn số 2 này cũng tốt hơn.
Phần 2 – Mặt bằng tầng 1
- Ở tầng 1, gia chủ muốn để thông từ trước ra sau, để có thể để được 2 ô tô, hoặc cho thuê làm cửa hàng. Như vậy, cần phải để cầu thang bộ lên tầng 2 gọn sang 1 bên hoặc ra phía sau nhà, không thể để ở chính giữa.
- Cầu thang bộ nên đặt ở cung tốt, vì nó là điểm dẫn khí lên toàn bộ các tầng bên trên. Đặc biệt là thang ở dưới tầng trệt (tầng 1) này, vì nó là nơi vận khí lên toàn bộ không gian ở.
- Trong nhà này phía khoang sau nhà là các cung xấu, nên nếu làm theo thiết kế gốc mà để cầu thang này ở phía sau nhà thì sẽ rất không tốt. Vì thế, tôi đề xuất làm cầu thang lên tầng 2 dạng như một dải kéo dài, nằm ép dọc theo sườn nhà. Như vậy cũng sẽ không tốn diện tích. Nếu cho thuê thì gầm cầu thang có thể kết hợp làm chỗ tiếp tân, quầy thu tiền, hoặc làm phòng kho nhỏ. Còn nếu không cho thuê, thì tôi khuyến khích làm một bể tiểu cảnh (có nước) ở dưới gầm cầu thang, vừa để trang trí vừa tốt cho phong thủy, vì nước giúp tụ tài.
- Nếu dưới tầng trệt mà làm nhà vệ sinh thì có thể làm ở hướng Tây như trên hình. Không nên kết hợp vệ sinh vào dưới gầm cầu thang, vì như vậy sẽ làm hủy đi các cát khí ở khu vực cầu thang đó. Nếu bắt buộc phải làm vệ sinh dưới cầu thang vì lý do tối ưu diện tích, thì chỉ nên làm vệ sinh nhỏ, hạn chế dùng, thường xuyên đóng kín cửa, chỉ đi tiểu tiện chứ không nên đại tiện.
Phần 3 – Mặt bằng tầng 2
- Tầng 2 thì bao gồm hai phòng là phòng khách và phòng làm việc.
- Với thang dẫn từ tầng 2 lên tầng 3 và các tầng trên, thì phải để ở giữa nhà. Và dựa vào vách Thanh Long của nhà (bên tả từ trong nhìn ra). Đây là vị trí cung Khảm (hướng Bắc), là cung Sinh khí tốt lành, tốt cho việc làm cầu thang. Thang máy là vật chuyển động bằng động cơ, nếu đặt ở cung tốt sẽ kích thích các sao tốt hoạt động, còn nếu đặt ở cung xấu thì lại kích thích sao xấu. Cho nên thang phải đặt như hình, không thể đặt ở phía sau nhà như thiết kế gốc.
- Khu vệ sinh nhỏ sẽ làm ở hướng Tây, là cung xấu nhất của nhà. Vệ sinh là nơi xả trôi các điềm hung nên đặt ở đó là rất phù hợp.
- Bộ bàn ghế phòng khách đặt ở cung Chấn, hướng Đông là cung Diên Niên (tốt), lại có sao Nhất Bạch là vượng tinh phi đến hướng. Đây là vị trí đặt bàn ghế rất tốt. Tuy nhiên, vị trí ngồi sẽ khó quan sát người đi lên từ cầu thang phía sau lưng. Điều này có thể gây ra cảm giác không an tâm. Nên phần vách ngăn giữa cầu thang và bàn ghế cần thiết kế đủ cao, che qua đầu người, và đủ vững chắc để tạo cảm giác an toàn, thoải mái.
- Phòng làm việc không còn vị trí nào khác, nên phải định ở góc Tây Bắc. Đây là cung không tốt theo Bát Trạch (cung Họa Hại), tuy nhiên theo Huyền Không lại có sao Nhị Hắc an sơn làm chỗ dựa, nên vẫn có thể coi là tốt. Hướng nhìn của bàn làm việc cũng thẳng với hướng nhà, là hướng tốt. Mặc dù chỉ có một tiểu hung nhỏ là sao Họa Hại, nhưng để cẩn thận, vẫn có thể đặt trên bàn làm việc một quả cầu đá thạch anh nhỏ màu hồng.
Phần 4 – Mặt bằng tầng 3,4
- Hai tầng này đều làm phòng ngủ:
- Ở phòng ngủ phía trước thì nên kê giường như trong ảnh trên. Như vậy giường sẽ tọa cung Diên Niên hướng Nam. Như vậy là đạt tọa cát. Về hướng đầu giường thì quay về hướng Đông Bắc, không phải là hướng tốt. Tuy nhiên với bố trí phòng như vậy, cũng không có cách nào khác cả. Nếu để tuyệt đối nhất, thì giường phải quay đầu về phía trước nhà (tức là quay đầu giường ra phía cửa sổ). Như vậy thực sự rất bất tiện trong sử dụng, và cũng không hợp lý về mặt thẩm mỹ.
- Vì trong phong thủy coi trọng vị hơn là hướng, có câu “Nhất vị nhị hướng”. Nên ở đây đạt được tọa vị của giường cũng là tạm ổn rồi. Về hướng giường có thể khắc chế hóa giải. Hướng đầu giường là hướng Đông Bắc thuộc Thổ. Hướng này lại có sao Ngũ hoàng đại sát (sao hung) cũng thuộc Thổ. Nên tà khí đến từ hướng này đều là tà khí thuộc Thổ. Để hóa giải, cần có hành Kim. Thực ra hành Mộc cũng được (vì Mộc khắc Thổ), nhưng tôi chủ trương không giúp Ngũ hành khắc sát mà dùng Ngũ hành tiết chế sẽ tốt hơn. Hiểu như kiểu, để đối đầu với một cú đấm mạnh, thay vì ta giơ tay ra đỡ thì bản thân tay ta cũng có thể bị đau, thì ta có thể lợi dụng lực của đối phương, khéo léo uyển chuyển để né tránh và đẩy ngã đối thủ. Đây là kỹ thuật trong Nhu đạo của Nhật Bản, mà khi ứng dụng vào phong thủy cũng có tác dụng rất tốt.
- Tôi đề xuất cách hóa giải như sau:
- Đầu giường có thể sơn hoặc giấy dán tường màu trắng
- Khuyến khích treo tranh có khung bằng kim loại màu trắng, bạc, xám, ghi.
- Có thể để một xâu Ngũ đế tiền (5 đồng tiền kim loại của 5 triều vua nhà Thanh) dưới tấm nệm phía đầu giường. Xâu tiền này có bán rất nhiều trên Shopee và rất rẻ.
- Có thể đặt 2 quả cầu đá thạch anh màu trắng ở hai bên đầu giường
- Góc Đông Bắc của phòng ngủ phía trước là cung xấu, nên đặt tủ quần áo ở đó để ngăn các sao xấu.
- Phía tường đối diện giường ngủ (tủ tivi) nên có hành Mộc để kích thích Hỏa khí tốt lành của phương này, đồng thời cũng là sinh mệnh cho chủ nhà. Để thêm hành Mộc thì có thể sơn tường màu xanh lục, xanh lá, hoặc ốp gỗ cả mảng tường. Cũng có thể đặt các bình cây khô tượng trưng cho hành Mộc.
- Tuổi của chị nhà (nữ chủ nhân) thực ra không hợp với cách kê giường thế này, tuy nhiên trong phong thủy thì hướng giường luôn xem theo tuổi chồng. Bởi lẽ nếu chồng được tốt, thì vợ cũng sẽ hưởng theo. Và riêng nói về hướng giường, thì đối với tuổi vợ lại không bị xấu như tuổi chồng, mặc dù vẫn có sao Ngũ hoàng ở đó.
- Đối với tuổi con thì là cùng nhóm mệnh với bố. Nên có hai phương án cho phòng ngủ của con:
- Nếu muốn con ngủ cùng tầng với bố mẹ, thì để phòng ngủ phía sau và đặt giường ngủ như trên hình vẽ. Phương án này thì phòng ngủ phía sau không được hợp phong thủy với con, chỉ nên dùng tạm thời, sau khi con lớn thì không nên ở đây nữa. Màu sơn, màu rèm trong phòng dùng thiên về hành Thổ, màu vàng.
- Còn nếu muốn con được ở rộng rãi hơn và đảm bảo đúng phong thủy thì có thể để con ở phòng ngủ phía trước của tầng 4, thẳng trên phòng ngủ bố mẹ (hoặc có thể đảo lại, con ở phía trước tầng 3, bố mẹ phía trước tầng 4 cũng được). Giường ngủ và tủ áo của con cũng kê cùng vị trí với bố mẹ. Bàn học của con kê cạnh giường, gần với cửa sổ phía trước nhà, tương tự vị trí bàn làm việc của bố mẹ.
- Lưu ý cửa phòng ngủ của bố mẹ ở phía trước và phòng ngủ con ở phía sau phải so le nhau như hình trên, không được thẳng hàng sẽ tạo ra luồng khí trực xung không tốt.
- Nếu trong trường hợp phòng ngủ con ở phía trước tầng 4, thì 2 phòng phía sau có thể dùng cho các chức năng khác, ví dụ như phòng tập, phòng kho, phòng ngủ khách, phòng thay đồ… Các phòng này không quá quan trọng về phong thủy, nên nếu để ở các vị trí cung xấu cũng không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên lưu ý không để các loại máy móc hoạt động liên tục, ồn ào ở khu vực phía sau nhà này. Phía sau thích hợp nhất là để các loại tủ, kho kệ,…
Phần 5 – Mặt bằng tầng 5
Tầng 5 này tôi phân ra làm 2 phương án:
Phương án 1: Phòng bếp phía trước, phòng thờ phía sau:
- Đây là phương án phù hợp nhất với công năng sử dụng, vì không gian phía trước rộng rãi hơn, đủ để làm phòng bếp và bàn ăn.
- Ngược lại, phòng thờ thì không cần nhiều diện tích, nên nếu để ở phía sau là vẫn thoải mái.
- Phương án này khi đặt bếp ở phía trước tôi chủ động đặt bếp nấu tọa hướng Đông Bắc, cửa bếp hướng về phía Đông Nam. Đây là bếp tọa hung hướng cát. Lửa của bếp thược Dương Hỏa, khí của nó rất mạnh. Khi đặt bếp ở cung xấu (hướng Đông Bắc), thì nó có thể đốt cháy các điềm hung ở hướng này. Còn cửa bếp hướng về phía Đông Nam là cung tốt lành. Hướng Đông Nam cũng là hướng thuộc Mộc rất phù hợp với bếp (Mộc sinh Hỏa).
- Phòng bếp có thể dùng các hành Kim, Mộc. Tủ bếp có thể làm bằng gỗ hoặc kim loại. Gỗ thì không nên dùng màu gỗ nóng, không dùng loại gỗ màu vàng, đỏ, cam. Có thể dùng gỗ màu trắng xám cũng được. Hoặc dùng loại tủ bằng Alumi, composite…
- Tuy nhiên, phương án này để bàn thờ ở phía sau lại là bị xấu. Vì phía sau nhà là các cung xấu, trong khi bàn thờ cần Tọa Cát Hướng Cát. Do đó, phương án 1 này tối ưu về không gian sử dụng và phong thủy phòng bếp, nhưng không đạt về phong thủy phòng thờ. Tôi chỉ có thể đưa ra giải pháp hóa giải cho phòng thờ bằng cách tăng cường hành Hỏa trong phòng thờ, để triệt tiêu hành Kim từ các hướng xấu mang đến. Như vậy, trong phòng thờ cần sơn màu ấm áp, đặt các ngọn đèn nhỏ thắp suốt ngày đêm.
Phương án 2: Phòng bếp phía sau, phòng thờ phía trước:
- Phương án này về phong thủy thì triệt để hơn, tốt hơn. Nhưng về sử dụng, công năng lại không được tốt bằng phương án 1.
- Phòng thờ đặt ra trước nhà là đạt tọa Cát hướng Cát. Tuy nhiên phía giữa phòng thờ và khu cầu thang cần có một phòng kho nhỏ. Vì đây là vị trí của cung Cấn (hướng Đông Bắc) là cung xấu. Nếu như không có phòng kho mà đặt bàn thờ áp thẳng vào cầu thang thì bàn thờ sẽ rơi vào cung xấu. Hơn nữa, cầu thang là nơi đi lại nhiều, thang máy lại hoạt động liên tục, không phù hợp với tính chất cần yên tĩnh của phòng thờ.
- Bàn thờ cũng phải đặt ở vị trí như thế này để hướng mặt bàn thờ là hướng tốt, chứ nếu đặt bàn thờ áp vào tường bên trái (từ trong nhìn ra), thì mặt bàn thờ lại hướng về hướng xấu.
- Tôi nghĩ rằng vệ sinh có thể đi chung với vệ sinh tầng dưới cũng được, không nhất thiết phải có vệ sinh ở trên tầng này. Tuy nhiên, nếu vẫn muốn có vệ sinh thì có thể đặt thay vào vị trí phòng kho. Lúc này tường giữa phòng thờ và phòng vệ sinh cần ốp gỗ toàn bộ mặt tường (ở phía phòng thờ). Và trong vệ sinh phải ốp đá màu xanh lục, thuộc hành Mộc. Để Mộc làm trung gian hóa giải cho sự khắc chế của Thủy khí trong vệ sinh với Hỏa khí của phòng thờ.
- Phòng bếp ở phía sau là khá chật về mặt diện tích, nên phải đổ sàn đua ra một phần của thang bộ. Về mặt kỹ thuật là có thể làm được, vì phần sàn này chỉ che vế thang bộ bắt đầu từ tầng dưới, nên không bị chạm đầu. Phải đồ sàn đua ra như vậy để tăng thêm diện tích cho phòng bếp. Đây chỉ là gợi ý của chúng tôi, chi tiết cần bên thiết kế suy nghĩ thêm.
- Đặt tủ bếp, bếp nấu và chậu rửa như hình vẽ là đảm bảo cho bếp được tọa hung hướng cát, đồng thời cũng đảm bảo yếu tố “Thủy hỏa bất tương dung”.
- Tường phòng bếp nên dùng màu nóng (hồng, đỏ, cam, tím), trang trí thiên về hành Hỏa. Tủ bếp nên dùng gỗ màu nóng.