La kinh có nhiều loại, như loại 18 tầng, 22 tầng, 30 tầng… Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu loại loại 18 tầng, loại la kinh phổ biến nhất hiện nay. Sở dĩ nó phổ biến vì kích thước khá nhỏ gọn, vừa tay. Đồng thời với 18 tầng là cũng khá đủ cho các nhu cầu tra cứu cơ bản rồi.
Tuy nhiên, dưới đây tôi vẫn sẽ giới thiệu tên các tầng của cả 3 loại chính để các bạn tham khảo. Sau đó mới đi sâu vào loại 18 tầng.
Giới thiệu sơ bộ các tầng của La kinh
Loại 18 tầng
- Thiên Tâm Thập Đạo & Thiên Trì
- Tiên Thiên Bát Quái
- Lạc Thư
- Tam Nguyên Long
- Chính Châm Địa Bàn
- Nạp Giáp
- Kiếp Sát: nếu sơn vị nhà có hướng kiếp sát là núi gồ ghề là kỵ, phẳng đẹp là tốt
- Hoàng Tuyền: phương vị kỵ động thổ.
- Trung Châm Nhân Bàn: lệch so với Chính Châm Địa Bàn
- Phùng Châm Thiên Bàn: lệch so với Chính Châm Địa Bàn
- 60 Thấu Địa Long: mỗi sơn vị thuộc địa chi phân thành 5 loại tốt xấu
- Đại du niên bát biến: lấy Phục Vị tại cung mệnh, 7 cung an lần lượt tiếp
- 72 Xuyên Sơn Long: mỗi sơn vị thuộc địa chi phân làm 5 loại tốt xấu
- 120 Phân Kim Chính Châm: mỗi sơn vị thuộc Chính Châm Địa Bàn chia làm 5 cung tốt xấu.
- Nhị Thập Bát Tú: ứng dụng trong phái phong thuỷ Tinh Túc
- Vòng độ vạch độ
- Vòng Trường Sinh Âm Dương Cục: ứng dụng trong phái phong thuỷ Tam Hợp.
- Nhị Thập Tứ Tinh chòm sao Phúc Đức: ứng dụng trong phái Bát Trạch.
Loại 22 tầng
- Thiên Tâm Thập Đạo & Thiên Trì
- Tiên Thiên Bát Quái
- Bát Sát
- Lạc Thư
- Các sao: Văn khúc, vũ khúc, phá quân, phụ bật… ứng với 24 sơn vị
- Tam Nguyên Long
- Chính Châm Địa Bàn
- Nạp Giáp
- Kiếp Sát: nếu sơn vị nhà có hướng kiếp sát là núi gồ ghề là kỵ, phẳng đẹp là tốt
- Hoàng Tuyền: phương vị kỵ động thổ.
- Không rõ
- Trung Châm Nhân Bàn: lệch so với Chính Châm Địa Bàn
- Phùng Châm Thiên Bàn: lệch so với Chính Châm Địa Bàn
- Đại du niên bát biến: lấy Phục Vị tại cung mệnh, 7 cung an lần lượt tiếp
- 60 Thấu Địa Long: mỗi sơn vị thuộc địa chi phân thành 5 loại tốt xấu
- 72 Xuyên Sơn Long: mỗi sơn vị thuộc địa chi phân làm 5 loại tốt xấu
- 120 Phân Kim Chính Châm: mỗi sơn vị thuộc Chính Châm Địa Bàn chia làm 5 cung tốt xấu.
- Nhị Thập Bát Tú: ứng dụng trong phái phong thuỷ Tinh Túc
- 64 quẻ dịch
- Vòng độ vạch độ
- Vòng Trường Sinh Âm Dương Cục: ứng dụng trong phái phong thuỷ Tam Hợp.
- Nhị Thập Tứ Tinh chòm sao Phúc Đức: ứng dụng trong phái Bát Trạch.
Loại 30 tầng
- Vòng 1: Thiên trì. Dùng để xác định phương vị. Kim thiên trì luôn chỉ hướng Nam, 180độ.
- Vòng 2: Tám quẻ tiên thiên (Càn Khảm Cấn Chấn Tốn Ly, Khôn Đoài).
- Vòng 3,4: Vòng Hậu thiên, Tám hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, Đông Nam) và độ số hậu thiên của tám quẻ (Nhất Khảm, nhì Khôn,tam Chấn, tứ Tốn, Ngũ Trung, lục Càn, thất Đoài, bát Cấn, cửu Ly).
- Vòng 5,6: Tam nguyên long (Thiên nguyên long, Địa nguyên long và Nhân nguyên long) và âm dương, độ số dùng cho kiêm hướng trong Huyền không phi tinh.
- Vòng 7,8: Hai mươi tư sơn hướng (chính châm) và phân âm dương (âm dương long).
- Vòng 9: Vòng nạp giáp.
- Vòng 10: Phương kiếp sát.
- Vòng 11: Hoàng tuyền (8 can, 4 quái và 12 địa chi).
- Vòng 12: Vòng Trung châm nhân bàn.
- Vòng 13: Vòng Phùng châm thiên bàn.
- Vòng 14: 60 long thấu địa (60 phân kim).
- Vòng 15 đến 22: Bát biến du niên hay là Bát trạch phối quái hậu thiên.
- Vòng 23: Xuyên sơn 72 long.
- Vòng 24: 120 phân kim.
- Vòng 25: Hai tám sao.
- Vòng 26: Độ số (được chia nhỏ đến từng độ).
- Vòng 27,28: Vòng tràng sinh (vòng âm và vòng dương thuận nghịch).
- Vòng 29,30: Vòng phúc đức và cách khởi phúc đức (theo Bát trạch minh cảnh).
Giới thiệu chi tiết các tầng của la kinh 18 tầng
Đây là loại la kinh phổ biến nhất. Hình ảnh của nó như dưới đây. Tầng 1 là tầng trong cùng, ở tâm. Số tầng tăng dần khi đi từ tâm ra ngoài. Sát mép gỗ là tầng thứ 18 ở ngoài cùng:
Dưới đây là chi tiết 18 tầng (tương ứng với loại la kinh ở hình trên). Lưu ý có thể có một số phiên bản la kinh 18 tầng khác không giống thế này (tức các tầng có thể đổi chỗ cho nhau, bớt tầng này thêm tầng khác…).
Tầng 1. Thiên Tâm Thập Đạo & Thiên Trì:
Thiên tâm thập đạo là 2 đường chỉ đỏ căng chắc qua mặt la kinh, một đường để trùng thẳng với hướng nhà, một đường ngang theo vách nhà sau lưng
Thiên trì gồm vòng thiên trì, ao thiên trì, mặt thiên trì, kim thiên trì. Vòng thiên trì rộng 1 thốn 2 phân, ứng với 12 tháng trong năm, sâu 3 phân ứng với 30 ngày trong tháng. Mặt thiên trì với vòng độ số giản lược, khớp với vòng độ số ở vành ngoài cùng của La kinh. Kim thiên trì chỉ về hướng nam 180 độ. Lưu ý có 1 số loại la kinh kim chỉ bắc.
Tầng 2. Tiên Thiên Bát Quái:
Tầng này chứa 8 quẻ thuộc Bát quái. Được bố trí theo đồ hình Tiên Thiên Bát Quái. Tức quẻ Càn ở hướng Nam (180 độ), quẻ Khôn ở hướng Bắc (0 độ). Một số la kinh có thể được in Hậu Thiên Bát Quái.
Tầng 3. Hướng, Hậu thiên bát quái, Lạc Thư:
Tầng này ta thấy ghi 3 thông tin, ví dụ: Bắc Khảm 1, ĐB Cấn 8…
- Chữ đầu tiên là chỉ hướng (Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Nam, Tây Nam, Tây, Tây Bắc theo chiều kim đồng hồ).
- Chữ thứ hai là chỉ quẻ thuộc Bát quái, nhưng được bố trí theo sơ đồ Hậu thiên bát quái (cùng là Bát quái nhưng khác với tầng 2).
- Số cuối cùng là chỉ số tương ứng trên địa bàn Lạc thư. Như trên ta thấy số 1 (Nhất bạch) ở hướng Bắc, số 8 (Bát bạch) ở hướng Đông Bắc…
Tầng 4. Tam Nguyên Long và thế quái:
Mỗi cung ở tầng 2,3 là 45 độ, lại được chia ra làm 3 cung nhỏ, mỗi cung 15 độ. Cung nhỏ này gọi là sơn vị. Có tất cả 24 sơn vị. Tầng này sẽ có thông tin về nguyên long ứng với các sơn vị này, thuộc tính âm dương của nó và thế quái tương ứng.
- Bên trái là các chữ viết tắt của Tam nguyên long. Bao gồm: N: Nhân nguyên long, T: Thiên nguyên long, Đ: Địa nguyên long.
- Dấu ở giữa (+/-) là để chỉ thuộc tính âm dương tương ứng của sơn vị này. Địa nguyên long luôn khác dấu với Thiên nguyên long và Nhân nguyên long. 2 sơn vị đối diện nhau luôn cùng dấu. Ứng dụng của âm dương sơn vị là cho việc phi tinh thuận hay nghịch trong phái huyền không.
- Số nằm bên phải là thế quái tương ứng thuộc sơn vị này trong trường hợp phi tinh kiêm hướng.
Ví dụ, ta thấy ở tầng này có N-1, T-2. Thì nghĩa là:
- Nhân nguyên long (viết tắt là N), thuộc Âm và thế quái ứng với nó là 1.
- Thiên nguyên long (viết tắt là T), cũng thuộc âm, thế quái là 2.
Tầng 5. Chính Châm Địa Bàn (24 sơn vị):
- Ở tầng này là tên của 24 sơn vị, tương ứng với tầng 4. Bắt đầu từ Tý, theo chiều kim đồng hồ lần lượt là: Quý, Sửu, Cấn, Dần, Giáp, Mão, Ất, Thìn, Tốn, Tỵ, Bính, Ngọ, Đinh, Mùi, Khôn, Thân, Canh, Dậu, Tân, Tuất, Càn, Hợi, Nhâm. Gồm: 12 sơn vị thuộc Địa Chi, 8 sơn vị thuộc Thiên Can, 4 sơn vị thuộc Bát Quái.
- Chính Châm Địa Bàn đặt trục Tí Hợi theo trục Bắc Nam.
- Trung Châm Nhân Bàn (tầng 9) lệch 7.5 độ ngược chiều kim đồng hồ so với Chính Châm Địa Bàn.
- Phùng Châm Thiên Bàn (tầng 10) lệch 7.5 độ thuận chiều kim đồng hồ so với Chính Châm Địa Bàn.
Tầng 6. Nạp Giáp:
Tầng này là vòng nạp giáp, thường ứng dụng để chọn ngày làm nhà. Ví dụ ta thấy ứng với sơn vị Tuất ở tầng 5, thì tầng này có chữ Ly (quẻ Ly). Nghĩa là với nhà Ly trạch thì có thể chọn ngày Tuất để khởi công. Tầng này chúng tôi chỉ giới thiệu sơ bộ qua, vì thường ít dùng.
Tầng 7. Kiếp Sát:
Tầng này dùng để tra phương Kiếp sát tương ứng với sơn vị của nhà. Ví dụ, nhà sơn Nhâm thì Kiếp sát ở sơn Thân, nhà sơn Mão thì Kiếp sát ở sơn Đinh… Ở phương Kiếp sát mà gặp núi gồ ghề là xấu, kỵ. Còn gặp núi phẳng đẹp là tốt. Nói chung tầng này cũng ít áp dụng.
Tầng 8. Hoàng Tuyền:
Tầng này dùng để tra phương bị phạm Tứ lộ Hoàng Tuyền. Ta biết bài thơ nổi tiếng để xác định phương phạm Hoàng Tuyền là:
Canh , Đinh KHÔN thượng thị HOÀNG TUYỀN
Ất , Bính tu phòng TỐN thủy tiên
Giáp , Quý hướng trung ưu kiến CẤN
Tân , Nhâm thủy lộ phạ đương KIỀN (CÀN).
Lấy ví dụ nếu sơn hướng của nhà là Canh thì sơn Khôn phạm Hoàng Tuyền. Tuy nhiên, ở tầng này của la kinh thì lại dùng sơn tọa chứ không phải sơn hướng. Nên nếu sơn hướng là Canh thì sơn tọa sẽ là đối diện, tức là sơn Giáp. Tra trên la kinh thì đúng là ứng với sơn Giáp ở tầng này là chữ Khôn.
Tầng 9. Trung Châm Nhân Bàn:
Tầng này và tầng 10 là hai loại bàn lệch 7,5 độ so với Chính Châm Địa Bàn (ở tầng 5). Trung Châm Nhân Bàn lệch 7,5 độ ngược chiều kim đồng hồ. Nó được khởi xướng ra vào thế kỷ 12 trước Công Nguyên, bởi Lại Công (tức Lại Văn Tuấn – tác giả cuốn “Thôi Quan Thiên”.
Trung châm ở giữa Tý Quý Ngọ Đinh, lấy người là linh thiêng của vạn vật cùng trời đất hợp thành tam tài nên trung châm nhị thập tứ sơn được gọi là nhân bàn.
Tác dụng của Trung Châm Nhân Bàn là dùng để tiêu sa trong phái phong thủy Tam hợp.
Tầng 10. Phùng Châm Thiên Bàn:
Giống với Trung Châm Nhân Bàn (tầng 9), Phùng Châm Thiên Bàn có góc lệch 7.5 độ thuận chiều kim đồng hồ so với Chính Châm Địa Bàn. Như vậy Nhân Bàn và Thiên Bàn sẽ lệch nhau là 15 độ.
Phùng Châm Thiên Bàn do Dương Quân Tùng đời Đường sáng chế ra. Vì châm chỉ giữa Phùng châm Nhâm Tý Bính Ngọ nên đặt tên là phùng châm.
Tác dụng của Phùng Châm Thiên Bàn là dùng để nạp thủy trong phái phong thủy Tam hợp. Hoặc một số thầy sử dụng để lập hướng cách long.
Tầng 11. 60 Thấu Địa Long:
Thấu địa, tức là nước ngầm chảy khắp trong lòng đất. Người ta dùng chữ thấu nghĩa là thẩm thấu và chảy không hề ngừng nghỉ trong lòng đất, tức là thấu suốt trong lòng đất. Người ta không nói sơn mà nói địa vì địa nuôi sống vạn vật mà sơn cũng sinh ra từ địa (đất). Khí ngũ hành đều có chứa sẵn trong lòng đất.
Địa có cát khí (khí tốt) vì thế thổ (đất) tùy theo khí ngũ hành mà khởi phát ra có chỗ cao, chỗ thấp mà tạo thành các hình thể khác nhau trên bề mặt quả địa cầu. Sự tạo thành đồi, núi trùng điệp, mô đất, sống đất là do khí của ngũ hành luân chuyển thông thấu trong lòng đất mà tạo thành, nếu khí của ngũ hành mà vượng thì đất nổi lên cao, yếu thì đất nổi lên thấp hay bằng phẳng.
Người ta thường nói tới long mà không nói tới hổ vì hổ là tĩnh lặng mà long thuộc động, đã động thì phải biến hóa không ngừng, long thuộc về khí biến đổi để làm cho hình hóa thành vạn vật, vì vậy địa lý phong thủy lúc nào cũng phải luận về long để tìm huyệt là vì lý do này.
Long mạch là đầu mối của mọi sự biến hóa, mà sự biến hóa này lại xảy ra có gốc từ trong lòng đất nên mắt thường không thấy được; do đó phải bàn luận và tìm kiếm dựa vào hình tích, dấu vết, phương vị của long để lại trên mặt đất. Người ta dựa vào bát quái, dựa vào can chi mà phân làm 60 long mạch chuyển vận trong lòng đất, vì thế mới nói là 60 long thấu địa, trong đó có long tốt và long xấu, bỏ cái xấu và chọn cái tốt mà dùng là mục đích của tầng la kinh này:
2 sơn vị liền nhau hợp làm một phân vị (song sơn ngũ hành). Mỗi phân vị lại chia làm 5 loại tốt xấu, phụ thuộc vào biến quẻ của mệnh.
VD: phân vị Nhâm Tý bao gồm 5 loại: Giáp Tý, Bính Tý, Mậu Tý, Canh Tý, Nhâm Tý. Đây là các cặp can chi được ghép theo nguyên tắc, can dương ghép chi dương, can âm ghép chi âm. Trong đó:
- Bính Tý là thủy long, là vượng khí
- Canh Tý là thổ long, cũng là vượng khí
- Giáp Tý kim long là bại long khí
- Mậu Tý hỏa long là tử khí
- Nhâm Tý mộc long là sinh khí
Ứng dụng của 60 thấu địa long là trong phép tiêu sa nạp thủy (phái phong thủy Tam Hợp)
Tầng 12. Đại Du Niên Bát Biến:
Tầng này hiển thị Bát du niên. Và ứng dụng nó để thực hiện phép Đại du niên bát biến, nhằm An Bát du niên vào 8 cung của đồ bàn phong thủy.
Nguyên tắc của phép Đại du niên bát biến:
- Lấy Phục Vị ở hướng cung mệnh, 7 cung còn lại lần lượt an tiếp theo
- VD: ở hướng Bắc, cung Khảm, với người mệnh Khảm thì Phục Vị cư ở chính hướng Bắc này, sau đó lần lượt các cung theo chiều kim đồng hồ sẽ là các chữ trong tầng Đại du niên bát biến: Ngũ Y Sinh Phúc Tuyệt Họa Lục (Ngũ quỷ, Thiên y, Sinh khí, Phúc đức hay Diên niên, Tuyệt mệnh, Họa hại, Lục sát).
- Cụ thể xem cách an bát du niên thứ 3 (an bằng La kinh) trong bài viết: An Bát du niên vào 8 cung
Tầng 13. 72 Xuyên Sơn Long:
12 địa chi được phân làm 5 loại tốt xấu, phụ thuộc vào biến quẻ của mệnh. 12 x 5 = 60, cộng thêm tứ duy (Tốn Khôn Càn Cấn) và bát can (Giáp Ất Bính Đinh Canh Tân Nhâm Quý) là 60 + 12 = 72. Ứng dụng của tầng này là để quan sát phương long mạch (mạch xuyên sơn) đến vào huyệt.
Tầng 14. 120 Phân Kim Chính Châm:
Mỗi sơn vị thuộc Chính Châm Địa Bàn chia làm 10 cung tốt xấu. Cách phân tương tự tầng 11 và 13
Tầng 15. Nhị Thập Bát Tú:
Gồm 28 vì sao, chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm 7 vì sao. Ứng dụng của tầng này là trong phái phong thủy Tinh Túc.
Tầng 16. Vòng độ vạch độ
Tầng này là vòng 360 độ tương ứng với các hướng xung quanh. Bắt đầu từ 0 độ (hướng Bắc), đến 90 độ (hướng Đông), 180 độ (hướng Nam), 270 độ (hướng Tây)…
Tầng 17. Vòng Trường Sinh Âm Dương Cục:
Ứng dụng của tầng này là trong phái phong thủy Tam Hợp. Nó hiển thị vòng Tràng Sinh, bao gồm: Trường sinh, Mộc dục, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng.
Tầng 18. Nhị Thập Tứ Tinh Phúc Đức:
Tầng này gồm 24 vì sao chòm Phúc Đức, ứng với 24 cung sơn vị trên Chính châm địa bàn (tầng 5). Gồm 12 sao tốt (cát tinh) và 12 sao xấu (hung tinh). Bao gồm: Phúc đức, Ôn hoàng, Tấn tài, Trường bệnh, Tố tụng, Quan tước, Quan quí, Tự ải, Vượng trang, Hưng phước, Pháp trường, Điên cuồng, Khẩu thiệt, Vượng tâm, Tấn điền, Khốc khớp, Cô quả, Vinh phú, Thiếu vong, Xương dâm, Thân hôn, Hoan lạc, Bại tuyệt, Vượng tài.
Lưu ý, việc an 24 sao này vào các sơn vị ở Chính châm địa bàn là theo các nguyên tắc an phụ thuộc vào hướng nhà. Chứ không phải cố định như trên La kinh (Phúc đức ứng với sơn Bính). Chủ yếu tầng này giúp ta nhớ được tên và thứ tự của 24 ngôi sao này mà thôi. Còn việc vị trí của các sao như thế nào thì phải tính toán lại. Nếu La kinh mà dùng loại 2 mặt xoay thì rất có lợi trong trường hợp này. Vì tầng này sẽ ở mặt xoay bên ngoài, có thể xoay độc lập với mặt xoay bên trong.