Trong phong thủy Loan đầu, sách xưa có dùng rất nhiều thuật ngữ, điển tích. Chúng được sử dụng để tóm tắt các thế nhà tốt, giúp hậu thế dễ dàng ghi nhớ và ứng dụng.
Đó là các thuật ngữ:
- Tàng phong tụ khí
- Lưng tựa sơn, mặt hướng thủy
- Long chân, huyệt đích, sa bao, thủy bọc
- Sơn hoàn thủy bao tất hữu khí
- Khúc hữu tình, trực vô tình
- Người đi khí theo, nước chảy khí theo
- Thượng nhất thốn vi sơn, hạ nhất thốn vi thủy
Tàng phong tụ khí
Đây là khái niệm rất hay gặp trong phong thủy:
- Tàng có nghĩa là giữ lại (trong Tàng trữ). Tàng phong là giữ lại gió.
- Tụ là hội tụ, tụ lại. Tụ khí tức là làm cho khí tụ lại một chỗ.
Phong là gió, bay trên cao. Khí thì đi theo dòng nước chảy. Nên khái niệm này có thể hiểu chung, là việc tích tụ lại các khí tốt. Một căn nhà đạt “tàng phong tụ khí” nghĩa là nó có thể tích tụ được khí ở trước Minh đường. Điều này cũng giống như “Khí tụ đan điền” trong Đông y.
Để đạt được Tàng phong tụ khí, thì huyệt đất phải được lựa chọn đảm bảo rất nhiều tiêu chí:
- Phía sau lưng nhà là mạch núi dẫn từ cao xuống thấp, tạo thành đường Long mạch. Các ngọn núi trong dãy núi từ cao xuống thấp được gọi lần lượt là: Thái tổ sơn, Thái tông sơn, Thiếu tổ sơn, Thiếu tông sơn, Phụ mẫu sơn, Chủ sơn. Tùy trường hợp có thể khuyết đi một trong số các thành phần đó.
- Bên trái (tả) của nhà là vách Thanh long.
- Bên phải (hữu) của nhà là vách Bạch hổ.
- Trước mặt nhà có các hòn núi nhỏ gọi là Án sơn, Triều sơn nhằm ngăn khí trực xung thẳng vào nhà.
- Uốn lượn qua các dãy núi đó là dòng nước, đem khí vào Minh đường của nhà.
- Trước nhà phải là long huyệt, tức là nơi tích tụ sinh khí, thường là hồ hoặc ao.
Lưng tựa sơn, mặt hướng thủy
Đây là khái niệm nhỏ, nằm trong khái niệm lớn ở mục trên. Tức cũng là giúp Tàng phong tụ khí. Bởi vì lưng tựa vào Sơn vững chãi, mạch khí đi từ trước ra sau nhà sẽ bị cản lại, không thất thoát đi. Trước mặt hướng Thủy chính là để sinh khí có thể quần tụ lại, trước khi đi vào nhà.
Tuy nhiên khái niệm này chưa đầy đủ, vì không nói đến các vách Thanh long, Bạch hổ…
Long chân, huyệt đích, sa bao, thủy bọc
Long chân chỉ mạch núi có sinh khí lưu động. Chân ở đây trong nghĩa Chân thật. Tức là mạch núi có khí thật, chứ không phải giả. Sinh khí trong đất tuy là vô hình, nhưng có thể biết được. Cổ nhân có câu: “Long mạch thật thì huyệt thật, long mạch giả thì huyệt giả. Xem hình thế của gò đất có thể biết được long mạch, tìm được long mạch”. Nên việc nhận biết được Long chân rất quan trọng. Nếu nhìn sai, có thể dẫn đến sai vị trí đặt nhà (huyệt giả).
Huyệt đích chỉ việc tìm đúng “huyệt kết”. Huyệt kết tức huyệt tụ được sinh khí, không làm tản sinh khí. Tìm được Huyệt kết cũng phải bắt đầu từ việc tìm đúng Long chân. Có Long chân mới có Huyệt kết.
Sa bao chỉ núi ở gần huyệt địa. Huyệt mộ được gò, núi bao bọc thì khí tụ. Chữ Bao ở đây hiểu theo nghĩa bao bọc, bao quanh.
Thuỷ chỉ dòng nước, hồ ao, sông ngòi hoặc biển cả. Thủy bọc chỉ huyệt đất có nước chảy bao bọc xung quanh. Nếu trước huyệt mộ có dòng nước chảy từ từ làm khí không tản thì tốt. Kinh táng có câu: “Phép trong phong thuỷ được thuỷ là thứ nhất, tàng phong là thứ hai”. Điều này chỉ ra rằng, Thủy là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Sơn hoàn thủy bao tất hữu khí
Khái niệm này thực ra hoàn toàn giống với khái niệm “Sa bao thủy bọc” ở trên. Sơn hoàn tức là các dãy núi ôm lấy huyệt đất. Thủy bao tức là các dòng nước bao quanh.
Các khái niệm này đều để mô tả một thế đất với Sơn và Thủy ôm ấp, bao bọc xung quanh huyệt đất. Giúp cho khí có thể quần tụ lại.
Khúc hữu tình, trực vô tình
Khúc nghĩa là uốn khúc, vòng vèo, uốn lượn. Trực nghĩa là thẳng tắp.
Khúc hữu tình là muốn nói dòng nước, hay dòng khí phải uốn lượn mới tốt. Còn trực vô tình là nói dòng khí chạy thẳng xộc đến là không tốt.
Đó là lý do khi chọn nhà, cần tránh nhà bị con đường xông thẳng tới cửa chính nhà. Hay tránh các cửa trong nhà thẳng nhau (trực vô tình). Thường khi có nhiều cửa, người ta hay làm các cửa lệch nhau đi. Khí lúc đó lưu thông sẽ phải theo hình uốn lượn chữ S. Đó chính là “khúc hữu tình”.
Người đi khí theo, nước chảy khí theo
“Nước chảy khí theo” thì rõ rồi. Mạch khí thì đi theo dòng nước. Nước chảy sẽ dẫn theo khí.
Còn “Người đi khí theo” là quan điểm của phong thủy thời nay. Ở nhiều khu vực, nhất là ở các đô thị hiện đại, không phải lúc nào cũng có “dòng nước”. Vậy chẳng lẽ những nơi này không có khí? Nên người ta cho rằng, khí không chỉ xuất hiện theo “thủy”. Mà bất cứ nơi nào có sự dịch chuyển của dòng người, nơi đó cũng có khí.
Lý luận này cho rằng, các con đường đi lại cũng là nơi dẫn khí. Nên nếu đường trực xung thẳng vào cửa nhà, sẽ dẫn khí trực xung vào nhà không tốt. Đường uốn lượn bao quanh nhà cũng như dòng nước chảy ôm ấp (thủy bọc) sẽ tạo được trường khí tốt.
Cũng có thể áp dụng lý thuyết này vào trường hợp nhà có hướng cửa xấu. Nếu có nhiều cửa, thì việc đi lại chủ yếu qua cửa phụ sẽ biến cửa này trở thành “cửa chính”. Vì khi đi lại nhiều, khí đi qua nhiều thì đó mới là nơi quan trọng. Khí tốt vào nhiều thì tốt, khí xấu vào nhiều thì xấu. Nên cửa phụ, dù bé hơn, ở bên hông nhà, nhưng nếu đi lại nhiều thì quan trọng hơn cả cửa chính.
Thượng nhất thốn vi sơn, hạ nhất thốn vi thủy
Khái niệm này đã được nhắc đến trong bài viết: Khái niệm về Sơn và Thủy.
“Thượng nhất thốn vi sơn”, nghĩa là: chỉ một đốt ngón tay cao lên đã là Sơn. Nên nhiều trường hợp với nhà phố chật hẹp, để có Sơn, có thể chỉ cần đắp một gờ nhỏ ở ngưỡng cửa.
“Hạ nhất thốn vi thủy”, nghĩa là: chỉ một đốt ngón tay trũng xuống đã là Thủy. Nên nhiều trường hợp với nhà phố chật hẹp, để có Thủy, có thể chỉ cần khoét một rãnh nhỏ ở ngưỡng cửa.