Thước Áp Bạch là loại thước nâng cao hơn so với thước Lỗ Ban. Nếu như thước Lỗ Ban khi dùng ai cũng giống ai, thì thước Áp Bạch phụ thuộc vào kích thước nhân trắc của mỗi người, và tọa hướng của nhà. Do đó tính chính xác của thước Áp Bạch sẽ cao hơn.
Thước Áp Bạch là gì
Thước Áp Bạch hay Áp Bạch xích, là loại thước huyết thống, dựa trên kích thước nhân trắc của mỗi người và tọa hướng của nhà ở.
Thước Lỗ Ban chỉ đơn thuần chia ra các khoảng, cung được phân định tốt xấu. Nghĩa là ai cũng như ai. Tốt xấu hoàn toàn giống nhau. Thước Áp Bạch do dựa vào các thông tin cá nhân từ chủ mệnh (độ dài gang nách, độ dài thốn tay, tọa hướng của nhà…) nên thước Áp Bạch sẽ được lập riêng theo từng tuổi khác nhau. Tính chính xác của nó vì thế cũng cao hơn.
Để thực sự tìm ra kích thước hoàn hảo, nên có sự kết hợp cả hai loại thước, Lỗ Ban và Áp Bạch.
Phân loại thước Áp Bạch
Thước Áp Bạch bao gồm 2 loại thước, là Xích Bạch và Thốn Bạch.
- Xích Bạch (尺白): dùng để đo các khoảng kích thước lớn. Nó đồng nghĩa với khái niệm Khoảng của thước Lỗ Ban.
- Thốn Bạch (寸白): dùng để đo các khoảng kích thước nhỏ. Nó đồng nghĩa với khái niệm Cung của thước Lỗ Ban.
Khi sử dụng, ta phải áp dụng cả 2 loại này đồng thời. Nghĩa là sau khi dùng thước Xích Bạch tìm được các khoảng tốt rồi, thì tiếp tục dùng thước Thốn Bạch để tìm các cung tốt.
Lấy ví dụ một trường hợp tìm được Xích đẹp là khoảng từ 175 – 210cm. Nhưng trong khoảng này vẫn khá rộng. Nên tiếp tục dùng thước Thốn Bạch và thấy mốc 13cm rơi vào cung tốt. Như vậy ta lấy: 175 + 13 = 188cm. Con số này vẫn nằm trong khoảng 175 – 210cm ban đầu. Vậy đây là kích thước đẹp cần tìm.
Nhiều trường hợp Xích xấu thì buộc phải lấy Thốn đẹp. Như vậy cũng đỡ được phần nào.
Cách dùng thước Xích Bạch
Trong thước Xích Bạch lại tồn tại hai phép đo:
- Thiên phụ quái (hay còn gọi là phép Đại du niên bát biến): là phép đo chiều cao, chiều sâu của vật (tức phương thẳng đứng).
- Địa mẫu quái (hay còn gọi là phép Tiểu du niên bát biến): là phép đo chiều ngang, chiều rộng của vật (tức phương nằm ngang).
Bước 1: Tìm sao chiếu khởi đầu
Đầu tiên, dựa vào tọa sơn của nhà, ta tìm được sao chiếu tương ứng theo bảng sau:
Nhà tọa |
Thiên phụ quái |
Thiên phụ quái |
Địa mẫu quái |
Đoài Chấn Khôn Khảm Tốn Cấn Ly Càn |
Tham lang (cát) Cự môn (cát) Lộc tồn (hung) Văn khúc (hung) Liêm trinh (hung) Vũ khúc (cát) Phá quân (hung) Phụ bật (bình) |
Phụ bật (bình) Vũ khúc (cát) Phá quân (hung) Liêm trinh (hung) Tham lang (cát) Cự môn (cát) Lộc tồn (hung) Văn khúc (hung) |
Vũ khúc (cát) Liêm trinh (hung) Phụ bật (bình) Phá quân (hung) Cự môn (cát) Tham lang (cát) Văn khúc (hung) Lộc tồn (hung) |
Bước 2: tìm đơn vị của thước (step)
Tương tự như với thước Lỗ Ban, mỗi đơn vị thước là 1.3cm (thước 52.2), thước Xích Bạch cũng có đơn vị đo riêng. Nó được tính bằng tổng của hai gang nách của tay trái và tay phải. Gang nách là khoảng cách từ ngón cái đến ngón trỏ, khi dang ra hết cỡ. Thường một gang nách có độ dài từ 17 – 20cm (tùy người). Như vậy, đơn vị của thước bằng tổng hai gang nách trái phải, và có độ dài tầm từ 34 – 40cm.
Bước 3: tìm các khoảng tốt xấu
Từ bảng tra ở bước 1, ta tìm được sao chiếu tương ứng. Sau đó lần lượt an các sao còn lại theo chu trình tương ứng:
- Với Dương trạch: Tham Lang, Cự Môn, Lộc Tồn, Văn Khúc, Liêm Trinh, Vũ Khúc, Phá Quân, Phụ Bật.
- Với Âm phần: Phụ Bật, Vũ Khúc, Phá Quân, Liêm Trinh, Tham Lang, Cự Môn, Lộc Tồn, Văn Khúc.
Lấy ví dụ, nhà tọa Tý hướng Ngọ, tức tọa sơn của nhà là Khảm. Giả sử cần đo kích thước theo chiều cao. Ta thấy sao khởi đầu là Văn Khúc (hung tinh). Tiến hành đo gang nách, được gang nách trái là 17cm, gang phải là 18cm. Cộng lại được đơn vị thước là 35cm. Vì đang đo Dương trạch, nên theo thứ tự trên, lần lượt ta có:
- Thước thứ nhất (từ 0 – 35cm): khoảng Văn Khúc (hung).
- Thước thứ hai (từ 35 – 70cm): khoảng Liêm Trinh (hung).
- Thước thứ ba (từ 70 – 105cm): khoảng Vũ Khúc (cát).
- Thước thứ tư (từ 105 – 140cm): khoảng Phá Quân (hung).
- Thước thứ năm (từ 140 – 175cm): khoảng Phụ Bật (bình).
- Thước thứ sáu (từ 175 – 210cm): khoảng Tham Lang (cát).
- Thước thứ bảy (từ 210 – 245cm): khoảng Cự Môn (cát).
- Thước thứ tám (từ 245 – 280cm): khoảng Lộc Tồn (hung).
- Tiếp theo lại quay trở về khoảng Văn Khúc đầu tiên.
Cách dùng thước Thốn Bạch
Trong thước Thốn Bạch cũng tồn tại hai phép đo (giống với thước Xích Bạch):
- Thiên phụ quái (hay còn gọi là phép Đại du niên bát biến): là phép đo chiều cao, chiều sâu của vật (tức phương thẳng đứng).
- Địa mẫu quái (hay còn gọi là phép Tiểu du niên bát biến): là phép đo chiều ngang, chiều rộng của vật (tức phương nằm ngang).
Bước 1: Tìm sao chiếu khởi đầu
Đầu tiên, dựa vào tọa sơn của nhà, ta tìm được sao chiếu tương ứng theo bảng sau:
Nhà tọa |
Thiên phụ quái |
Địa mẫu quái |
Càn Đoài Ly Chấn Tốn Khảm Cấn Khôn |
Tứ lục Ngũ hoàng Bát bạch (Cát) Thất xích Cửu tử (Cát) Nhị hắc Lục bạch (Cát) Tam bích |
Nhất bạch (Cát) Tứ lục Nhị hắc Tam bích Thất xích Ngũ hoàng Bát bạch (Cát) Lục bạch (Cát) |
Bước 2: tìm đơn vị của thước (step)
Thốn là một đốt ngón tay (trong Đông y). Nên đơn vị đo của thước Thốn Bạch chính là một thốn. Một thốn thông thường dài từ 2 – 3cm.
Bước 3: tìm các khoảng tốt xấu
Từ bảng tra ở bước 1, ta tìm được sao chiếu tương ứng. Sau đó lần lượt an các sao còn lại theo chu trình tương ứng từ Nhất Bạch đến Cửu Tử, sau đó lại quay lại Nhất Bạch. Cụ thể: Nhất Bạch (1), Nhị Hắc (2), Tam Bích (3), Tứ Lục (4), Ngũ Hoàng (5), Lục Bạch (6), Thất Xích (7), Bát Bạch (8), Cửu Tử (9).
Tiếp tục với ví dụ nhà tọa Tý hương Ngọ ở trên (tọa sơn là Khảm). Đơn vị đo là thốn dài 2cm. Đang đo chiều cao nên sao khởi đầu là sao Nhị Hắc (số 2):
- Từ 0 – 2cm: Nhị Hắc (hung)
- Từ 2 – 4cm: Tam Bích (hung)
- Từ 4 – 6cm: Tứ Lục (hung)
- Từ 6 – 8cm: Ngũ Hoàng (hung)
- Từ 8 – 10cm: Lục Bạch (cát)
- Từ 10 – 12cm: Thất Xích (hung)
- Từ 12 – 14cm: Bát Bạch (cát)
- Từ 14 – 16cm: Cửu Tử (cát)
- Từ 16 – 18cm: Nhất Bạch (cát)
Theo kết quả đo bằng thước Xích Bạch ở trên, ta có khoảng 175 – 210cm là khoảng Tham Lang (tốt). Theo thước Thốn Bạch thì cung từ 8 – 10cm là cung Lục Bạch (cũng tốt). Nên ta có kích thước: 175 + 8 = 183cm là kích thước tốt.