Sơn vị là khái niệm thường gặp trong phong thủy Bát trạch minh cảnh và Huyền không phi tinh. Có tất cả 24 sơn vị trên đồ hình phong thủy.
Xem thêm bài viết: Các trường phái trong phong thủy
Sơn vị là gì
Trong đồ hình phong thủy, vòng tròn được chia ra làm 8 cung: Bắc (Khảm), Đông Bắc (Cấn), Đông (Chấn), Đông Nam (Tốn), Nam (Ly), Tây Nam (Khôn), Tây (Đoài), Tây Bắc (Càn). Mỗi cung chiếm 45 độ. Tổng 8 cung: 8 x 45 = 360 độ.
Nhưng sau đó, người ta nhận ra, khí trong mỗi cung là không đồng nhất. Nên lại tiếp tục chia mỗi cung ra 3 cung nhỏ. Mỗi cung nhỏ là 15 độ. Và gọi đó là một sơn vị.
Mặc dù khí trong cùng 1 sơn vị vẫn không phải hoàn toàn là đồng nhất, ví dụ vùng thuộc sơn Bính nhưng gần với ranh giới sơn Ngọ thì sẽ bị pha tạp khí của sơn Ngọ, nhưng có thể tạm chấp nhận được như vậy.
24 sơn vị trên đồ bàn
Có tất cả 8 cung trên đồ bàn, mỗi cung lại bao gồm 3 sơn. Như vậy có: 8 x 3 = 24 sơn. Bao gồm:
- Cung Khảm: sơn Nhâm, Tý, Quý
- Cung Cấn: sơn Sửu, Cấn, Dần
- Cung Chấn: sơn Giáp, Mão, Ất
- Cung Tốn: sơn Thìn, Tốn, Tị
- Cung Ly: sơn Bính, Ngọ, Đinh
- Cung Khôn: sơn Mùi, Khôn, Thân
- Cung Đoài: sơn Canh, Dậu, Tân
- Cung Càn: sơn Tuất, Càn, Hợi
Trong số đó có:
- 12 sơn thuộc địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
- 8 sơn thuộc thiên can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Can Mậu và Kỷ thuộc trung cung nên không xuất hiện ở đây.
- 4 sơn thuộc bát quái: Cấn, Tốn, Khôn, Càn.
Khi nói về hướng nhà, người ta thường nói “Tọa sơn … hướng sơn …”. Sơn tọa và sơn hướng luôn là hai sơn vị đối diện nhau. Ví dụ: tọa sơn Tý, hướng sơn Ngọ (hoặc nói tắt: tọa Tý hướng Ngọ). Sơn mà lưng nhà tựa vào gọi là sơn tọa. Sơn mà hướng nhà quay đến gọi là sơn hướng.
Như vậy khi nói về một căn nhà, người ta không nói chung chung là nhà hướng Bắc, hướng Tây… Mà trong phong thủy phải nói cụ thể hơn, là tọa gì hướng gì. Tọa Tý hướng Ngọ, tọa Dần hướng Thân.
Tam Nguyên Long
Mỗi sơn vị trong ba sơn thuộc cùng một cung sẽ mang ý nghĩa khác nhau:
- Sơn ở giữa tượng trưng cho trời, gọi là Thiên Nguyên Long.
- Sơn bên phải tượng trưng cho người, gọi là Nhân Nguyên Long.
- Sơn bên trái tượng trưng cho đất, gọi là Địa Nguyên Long.
Thiên Nguyên Long và Nhân Nguyên Long thì luôn cùng dấu với nhau. Tức là cùng âm hoặc cùng dương. Còn Địa Nguyên Long thì luôn ngược dấu với hai sơn vị kia. Có thể nhìn hình trên để thấy rõ quy luật này.
Khái niệm Tam Nguyên Long chủ yếu áp dụng trong phong thủy Huyền Không Phi Tinh. Còn trong phong thủy Bát Trạch Minh Cảnh thì không dùng tới.