Đo hướng nhà là công việc đầu tiên và cơ bản nhất của việc thực hành phong thủy. Có nhiều công cụ giúp hỗ trợ việc đo hướng nhà nhưng la kinh là công cụ chuyên nghiệp nhất. Ngoài việc dùng để đo hướng, la kinh còn dùng để tra cứu phong thủy trực tiếp thay cho các bảng biểu, sách vở.
Xem bài chi tiết giới thiệu về La kinh
Các cách đo hướng nhà
Để đo hướng nhà, ta có thể dùng rất nhiều cách:
- Dùng la bàn: cách đơn giản nhất.
- Dùng la kinh: cách chuyên nghiệp và chính xác nhất.
- Dùng phần mềm đo hướng trên điện thoại: cách tiện dụng nhất.
- Dùng bản đồ Google Map: khi cần đo hướng trên tổng quan diện rộng.
Nói chung, nên sử dụng kết hợp nhiều cách đo hướng ở trên, rồi so sánh với nhau để có được kết quả chính xác nhất.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu hình thức đo hướng nhà bằng la kinh.
Lưu ý: để biết công dụng còn lại của la kinh là tra cứu phong thủy, có thể tham khảo khóa học Sử dụng la kinh
Đo hướng nhà bằng la kinh
Tránh nhiễm từ
Vì la kinh là công cụ sử dụng từ trường để đo hướng, tương tự như la bàn, nên việc tránh nhiễm từ là yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất. Để tránh việc bị nhiễm từ, cần lưu ý các điều sau:
- Phải để la kinh cách mặt đất, vì trong lòng đất dễ có kim loại làm nhiễu loạn từ trường.
- Phải để la kinh cách khỏi các công trình kiến trúc, nhà ở, vì trong đó có sắt thép gây nhiễu từ.
- Nếu đặt la kinh trên giá đỡ, trên đế, hay chân tripod, thì lưu ý các thiết bị đó không được làm bằng kim loại. Còn không thì phải có thêm mặt phân cách bằng nhựa hoặc gỗ để cách từ.
- Nếu cầm la kinh bằng tay, cần tháo bỏ các đồ dùng bằng kim loại như đồng hồ, vòng, nhẫn…
- Nên bỏ điện thoại ra chỗ khác trong quá trình đo đạc.
Kể cả khi đã tuân thủ tất cả các yếu tố trên, việc nhiễm từ vẫn có thể xảy ra, nếu đứng ở khu vực có lượng từ tính quá lớn. Do đó, việc đo hướng phải được thực hiện ở nhiều điểm khác nhau. Thường là nên ở đầy đủ 8 vị trí thuộc bát cung và thêm trung cung là 9. Sau đó cộng các kết quả đo được lại và chia trung bình. Nếu có kết quả nào quá sai lệch với các kết quả còn lại thì nên loại bỏ. Vì có thể ở vị trí đo đó bị nhiễm từ mạnh dẫn đến kết quả bị sai lệch.
Chuẩn bị tinh thần, tư thế đứng và cầm la kinh
- Giữ tâm tĩnh tại, không suy nghĩ miên man, không trong trạng thái nóng giận, mất bình tĩnh hay thiếu tập trung
- Điều hòa nhịp thở ổn định bằng việc hít sâu và thở mạnh (làm nhiều lần)
- Tháo bỏ tất cả các vật bằng kim loại có thể gây tác động tới kim thiên trì
- Kiểm tra kim la kinh ở vị trí đang đứng đã cân bằng hay chưa
- Chọn vị trí trung cung của Nhà cần đo, đứng thẳng người, chân rang rộng bằng vai.
- Tay trái xòe ra và cầm lấy La kinh, sao cho đầu ngón tay cái và các ngon tay còn lại tì vào “gờ – cạnh vát” mặt sau của La kinh, mục đích là để giữ cho La kinh chắc chắn trong bàn tay, không rơi và trượt ra khi ta thao tác.
- Tay nâng la kinh lên trước bụng, sao cho mặt La kinh song song với mặt đất, khuỷu tay tạo thành một góc vuông. Tay ép sát vào cạnh sườn, làm điểm tì giữ cho tay không mỏi và khỏi bị rung. Chú ý để đường chỉ đỏ của La kinh chiếu thẳng ra hướng trước Nhà (đường này dùng để xem độ số hướng Nhà). Việc đưa la kinh ra trước bụng cũng là để trường khí của người đo bao lấy La kinh, giảm thiểu được tác dụng của các vật có từ trường xung quanh.
- Dùng ngón tay trỏ của bàn tay phải tì vào mặt La kinh nơi phần góc phải phía trước mặt (La kinh được chia làm 4 phần bởi 2 đường chỉ đỏ vuông góc) đẩy mặt La kinh xoay theo chiều nghịch.
Đặt la kinh thẳng với hướng nhà
La kinh cần được đặt sao cho 1 trong 2 đường chỉ đỏ (gọi là đường Thiên tâm thập đạo) phải trùng với hướng nhà. Hướng nhà là hướng thẳng từ tâm nhà nhìn ra phía trước nhà.
Để có thể căn thẳng được la kinh như vậy, thì thường sẽ phải tiến hành công tác đóng cọc xuống mặt đất, và căng dây giữa các cọc. Tuy nhiên việc này là khá phức tạp, nên thông thường ta có thể lợi dụng thực địa để làm. Ví dụ nếu như nhà có đường chỉ gạch lát sàn thẳng ra trước nhà, thì có thể đặt la kinh trùng vào đường chỉ này. Hoặc đặt áp vào bề mặt bức tường. Nếu là người có khả năng, thì có thể sử dụng mặt để ngắm cũng được.
Nếu trong trường hợp dùng la bàn thì có thể đo theo hình dưới đây:
Dưới đây là 2 cách đứng để đo hướng nhà bằng la kinh của hai phái phong thủy nổi tiếng: bát trạch và huyền không. Phái Bát trạch thì đứng ở trong nhà, nhìn ra phía trước để đo. Còn phái Huyền không thì lại đứng ở trước nhà, quay mặt vào trong nhà. Thực ra cũng không có gì khác biệt cả. Vì chủ yếu vẫn dựa vào vạch độ số trên bề mặt la kinh mà thôi.
Cân bằng bề mặt la kinh
Việc tiếp theo của đo hướng nhà bằng la kinh là phải cân bằng ngang bề mặt la kinh. Tức là phải đặt la kinh làm sao để bề mặt của nó nằm ngang, song song với mặt đất. Như vậy ta phải để ý phần thước thủy tĩnh được tích hợp sẵn trên la kinh. Đặt làm sao để giọt nước rơi vào đúng chính giữa là được.
Sở dĩ phải cân bằng la kinh là vì nếu như đặt không cân bằng, ngoài việc chịu tác dụng của từ trường, kim la kinh còn ảnh hưởng bởi trọng lực, dẫn đến không còn chính xác.
Xoay mặt la kinh cho khớp với phương vị
La kinh luôn được cấu tạo với hai phần độc lập với nhau: phần đế hình vuông, và phần mặt hình tròn. Phần mặt hình tròn có thể quay được.
Ta biết kim của la kinh (gọi là kim thiên trì) luôn quay về hướng Nam. Nên trong la bàn người ta cũng gọi nó là kim chỉ nam. Mà ta biết, trong vòng tròn lượng giác từ 0 đến 360 độ thì hướng Nam sẽ ứng với vạch 180 độ. Nên để đo hướng nhà, ta cần xoay bề mặt hình tròn của la kinh, sao cho vạch 180 độ trùng với hướng của kim chỉ (hướng Nam).
Xác định hướng nhà
Sau khi xong tất cả các bước trên, ta có thể xác định được ngay hướng nhà. Dựa theo sợi chỉ đỏ (đường Thiên tâm thập đạo) mà ở trên ta đặt trùng với hướng nhà. Ta xem sợi chỉ đỏ đó đang chỉ vào vạch độ nào trên vành độ xung quanh.
Ở mỗi vị trí đo được, ta ghi kết quả vào sổ tay. Tiến hành đo nhiều vị trí nhất có thể, mỗi lần đo lại ghi cẩn thận vào sổ tay. Cuối cùng loại bỏ các giá trị bị sai lệch nhiều nhất so với các giá trị khác (vì có thể ở vị trí đo đó bị nhiễm từ mạnh). Cộng các giá trị lại rồi chia trung bình. Giá trị trung bình đó sẽ được sử dụng để làm hướng nhà.