Hey, chào các bạn. Chúng ta lại gặp nhau trong một bài học về phong thủy đặc biệt thú vị, về Ngũ hành. Đây là bài học thứ năm trong sê-ri học phong thủy miễn phí “Học phong thủy dễ như ăn mì”.
[author]
Ngũ Hành, là một khái niệm thực sự rất quen thuộc với chúng ta. Thậm chí cả những người chưa từng biết đến phong thủy. Vậy Ngũ Hành thực sự là gì?
Ngũ Hành là gì?
Bạn cũng có thể đọc thêm bài viết Ngũ hành là gì trong phần Học thuật chuyên sâu của chúng tôi
Ở Đà Nẵng có danh thắng rất nổi tiếng với năm ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển. Tương truyền xưa có quả trứng thần khi nở đã tách ra thành 5 mảnh, chính là 5 ngọn núi này. Danh thắng này được đặt tên là Ngũ Hành Sơn, và nay là một di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc Gia.
Trong tiểu thuyết Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân, cũng có viết về ngọn núi Ngũ Hành Sơn ở Trung Quốc, nơi giam cầm Tôn Ngộ Không suốt 500 năm.
Vậy Ngũ Hành (五行) chính là 5 hành. 5 hành này là gì, và chúng có liên hệ gì với nhau?
Ngũ Hành bao gồm 5 hành, đó chính là:
- Kim (Metal): nghĩa là kim loại
- Thủy (Water): nghĩa là nước
- Mộc (Wood): nghĩa là gỗ
- Hỏa (Fire): nghĩa là lửa
- Thổ (Earth): nghĩa là đất
Theo khoa Phong Thủy, năm yếu tố này là thành tố cấu tạo nên toàn bộ các vật chất trong tự nhiên. Điều này khác với khoa học phương Tây khi cho rằng cấu tạo nên thế giới là 118 nguyên tố hóa học nằm trong một Bảng tuần hoàn các nguyên tố.
Ngoài ra cũng có một lý thuyết khác về ngũ hành, xuất phát từ Nhật, cho rằng Ngũ Hành bao gồm: Địa (Earth), Thủy (Water), Hỏa (Fire), Phong (Wind) và Thiên (Void). Nhưng đây không phải lý thuyết chính thống của phong thủy nên chúng ta không xét đến.
Ngũ Hành cấu tạo nên vạn vật
Đúng vậy, theo phong thủy, Ngũ Hành là bản chất, là thành phần cấu tạo của vạn vật trong tự nhiên. Mọi yếu tố trong tự nhiên đều sinh ra từ Ngũ Hành, và ứng với một thuộc tính trong Ngũ Hành.
Ta có thể thấy:
- Các mốc đo thời gian bao gồm: Giờ (Thời), Ngày (Nhật), Tháng (Nguyệt), Năm (Niên), Tiểu Vận, Đại Vận,… đều ứng với một hành. Chúng ta thường nói năm này là năm Hỏa, tháng kia là tháng Thổ… chính là như vậy.
- Mỗi con người (Nhân) sinh ra trong trời đất cũng đều ứng với một Niên Mệnh. Có người là Đại Hải Thủy, người là Thiên Thượng Hỏa, Sa Trung Kim…
- Các yếu tố cơ bản như: Thiên Can, Địa Chi cũng đều ứng với một hành cụ thể.
- Các con số cơ bản trong số học (Lạc Thư, Hà Đồ) cũng đều ứng với một hành. VD như: số 1, số 6 theo Hà Đồ thuộc Thủy,…
- Mỗi ngôi nhà tùy vào hướng mà cũng phân ra thuộc hành gì. VD: trạch Đoài Kim, Cấn Thổ,…
- Mỗi quẻ trong Bát Quái cũng đều ứng với một hành cụ thể. VD: Quẻ Khảm thuộc Thủy, quẻ Đoài thuộc Kim, quẻ Ly thuộc Hỏa…
- Mỗi con sông, dòng suối, ngọn núi… cũng tùy theo địa hình, dòng chảy của nó, mà người ta phân ra là nó thuộc hành gì.
Như vậy, thử hỏi có cái gì trong trời đất này không nằm trong Ngũ Hành?
Ứng dụng ngũ hành mọi nơi mọi chỗ
Đường xá cũng thuộc ngũ hành…
Nghỉ xả hơi chút đã nào, tôi có mấy ảnh vui nói về các con đường ở Hà Nội. Hóa ra chúng cũng “thuộc Ngũ Hành”:
Vui vui vậy nhỉ, thế mới thấy, đúng là Ngũ Hành xuất hiện mọi nơi mọi chỗ trong cuộc sống thật.
Đến thẻ ngân hàng cũng theo ngũ hành
À nhân nhắc đến chuyện Ngũ Hành, tôi còn có một kỷ niệm vui. Đó là lần ra làm cái thẻ thanh toán ATM tại ngân hàng BIDV. Lúc cô giao dịch viên đưa cho tôi tờ khai, thực sự tôi hết sức bất ngờ khi biết được chọn thẻ thuộc hành gì ?!? Hóa ra đến cái thẻ ngân hàng cũng thuộc Ngũ Hành luôn… Hôm đó cô giao dịch viên thấy tôi lúng túng, liền giải thích cho tôi Ngũ Hành là gì, và tôi nên chọn thẻ thuộc Hành gì… Dù đã hoạt động phong thủy gần 20 năm, nhưng thực sự tôi vẫn cứ ớ ra vì bất ngờ.
Quan hệ tương sinh tương khắc trong Ngũ Hành
Trong Ngũ Hành, có hai quan hệ: đó là tương sinh và tương khắc.
- Tương sinh: là sinh ra nhau, bổ trợ nhau, chuyển hóa sang nhau.
- Tương khắc: là triệt tiêu nhau, kiềm chế lẫn nhau.
Theo hình trên, ta có thể thấy:
Quan hệ tương sinh
Quan hệ tương sinh bao gồm: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, và Thổ lại sinh Kim.
Đúng là thành một vòng tròn khép kín. Quan hệ này cho thấy các Hành (vật chất) luôn tự chuyển hóa sang nhau, mà không bao giờ mất đi.
Nghe có vẻ khá giống “Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng“. Nhưng đúng là trong phong thủy, lý thuyết bảo toàn và chuyển hóa cũng luôn đúng.
Quan hệ tương khắc
Quan hệ tương khắc trong Ngũ Hành bao gồm: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, và Hỏa khắc Kim.
Quan hệ này tạo thành hình một ngôi sao. Quan hệ tương sinh trong Ngũ Hành cho thấy: mọi thứ trong tự nhiên không có cái nào là mạnh nhất cả. Dù anh có thể thắng được cái khác, thì sẽ có cái thắng lại anh, tiêu diệt anh.
Ý nghĩa của các quan hệ tương sinh tương khắc trong Ngũ Hành
Quy luật tương sinh cho ta thấy, mọi vật chất luôn được bảo toàn và cân bằng. Khi nó chuyển hóa sang một dạng khác, thì ngay lập tức, lại có một dạng vật chất chuyển hóa thành nó.
Quy luật tương khắc thì lại cho thấy, không có dạng vật chất nào có thể quá mạnh lên được. Khi nó mạnh lên, ắt có một vật chất khác triệt tiêu nó.
Tựu chung lại, ý nghĩa sâu xa của Ngũ Hành luôn đề cao sự cân bằng, hài hòa, ổn định. Chỉ có cân bằng, thì mới tồn tại và phát triển được. Điều này cũng tương tự như khi nói về học thuyết Âm Dương cũng đề cao sự cân bằng giữa Âm và Dương.
Chính vì vậy, khi áp dụng Phong Thủy vào đời sống, ta cũng cần chú ý nhiều đến sự cân bằng. Chỉ khi sống trong một không gian thực sự cân bằng, hòa hợp, chúng ta mới có thể cảm thấy thoải mái.
Hết bài 5.
Chúng ta sẽ sớm gặp nhau trong bài tiếp theo của chương trình.
[author]