Trong các phép luận giải của Huyền Không học, thì đây là việc nên chú ý đầu tiên. Các sao trong cửu tinh (9 ngôi sao) không giống nhau, mà có sao tốt sao xấu. Sự tốt xấu này cũng thay đổi theo thời gian.
Các trạng thái của cửu tinh
Có 5 trạng thái của cửu tinh, xếp theo thứ tự từ tốt tới xấu là: Vượng, Sinh, Thoái, Sát, Tử. Trong đó:
- Vượng khí: là sao tốt nhất, đem lại may mắn, tài lộc.
- Sinh khí: là sao khá tốt, sau vượng khí.
- Thoái khí: là sao vốn tốt nhưng nay đã giảm dần độ tốt, chỉ còn là bình.
- Sát khí: là sao hơi xấu.
- Tử khí: là sao rất xấu, mang lại điềm xui rủi.
Đầy đủ là 5 trạng thái như vậy, nhưng thường các sách khi nói đến điều này hay dùng cụm từ “sinh vượng thoái tử”.
Trạng thái của cửu tinh ảnh hưởng tới nhà thế nào
Trong một đồ hình phi tinh của một căn nhà, ta cần chú ý đến tính chất sinh vượng thoái tử của các sao chủ sơn và chủ hướng trên mỗi cung địa bàn. Đặc biệt quan trọng nhất là ở cung hướng và cung sơn (tức cung địa bàn ứng với hướng nhà, tọa vị của nhà).
Ví dụ, căn nhà tọa Sửu hướng Mùi, nhập trạch vận 8 như đồ bàn bên dưới. Lúc này cung hướng là cung Khôn, có sao chủ sơn là sao Ngũ hoàng (số 5) và sao chủ hướng là sao Bát bạch (số 8). Ở cung sơn là cung Cấn có sao chủ sơn là sao Bát bạch (số 8) và chủ hướng là sao Nhị hắc (số 2). Vậy thì, tính chất sinh vượng thoái tử của các sao 2,5,8 là quan trọng nhất. Chúng ảnh hưởng đến sự tốt xấu của cả căn nhà.
Còn với các sao chủ sơn và chủ hướng ở các cung địa bàn thì sẽ mang tính cục bộ, ảnh hưởng đến sự tốt xấu của các cung địa bàn đó. Ví dụ, cung khảm hướng Bắc có sao chủ sơn là sao Lục bạch (số 6), chủ hướng là sao Cửu tử (số 9). Tính chất tốt xấu của hướng Bắc sẽ bị ảnh hưởng bởi trạng thái của 2 sao này. Trường hợp này sao Cửu tử là sinh khí, nên hướng Bắc có thể đặt bể cá để thu hút tích tụ sinh khí rất tốt.
Cơ sở nhận định các trạng thái của cửu tinh
Vượng khí
- Đây là sao đương vận, nhập trung cung. Khí của nó mạnh nhất, bao phủ toàn đồ bàn.
- Ở vận nào thì sao chủ vận đó là vượng khí. Hết vận đó, sang vận mới, thì sao mới lại thành vượng khí.
- Ví dụ ở vận 8 thì sao số 8 (Bát bạch) là vượng khí. Sang vận 9 thì sao số 9 (Cửu tử) lại là vượng khí.
Sinh khí
- Đây là các sao sắp nhập trung cung, để trở thành sao đương vận trong 1 hoặc 2 chu kỳ tới.
- Các sao này khí đang dần được tích tụ, bồi đắp để trở nên mạnh mẽ hơn, chuẩn bị quá trình trở thành vượng khí.
- Ví dụ ở vận 8 thì sao số 9 (Cửu tử) và sao số 1 (Nhất bạch) sẽ được coi là sao Sinh khí. Sang vận 9 thì sao Nhất bạch và Nhị hắc lại là Sinh khí.
Thoái khí
- Đây là sao vừa ra khỏi trung cung. Chu kỳ làm chính tinh của nó vừa kết thúc. Nên khí của nó bị suy giảm dần, gọi là Thoái khí.
- Mặc dù suy giảm nhưng vượng khí trong nó vẫn chưa dứt hết. Cho nên sao Thoái khí được coi là sao bình, không tốt không xấu.
- Ví dụ ở vận 8 thì sao số 7 (Thất xích) được coi là Thoái khí. Sao chính tinh Bát bạch đang là vượng khí nhưng khi qua vận 9 thì nó lại trở thành Thoái khí.
Sát khí
- Đây là các sao đã qua thời kỳ đương vận từ lâu. Khí đã bị suy giảm nhiều, trở thành Sát khí.
- Dạng này được đánh giá là tiểu hung. Tức là xấu nhưng chưa đến mức quá xấu.
- Ví dụ ở vận 8 thì các sao 4 (Tứ lục), 5 (Ngũ hoàng), 6 (Lục bạch) được coi là Sát khí.
Tử khí
- Tử khí là các sao đã rời xa trung cung từ rất lâu. Khí của nó đã bị triệt hao hết.
- Đây là các sao xấu nhất trong cửu tinh đồ.
- Ví dụ ở vận 8 thì các sao 2 (Nhị hắc), 3 (Tam bích) được coi là Tử khí.
Kích hoạt và hóa giải các sao tùy theo trạng thái
Tùy thuộc vào tính chất sinh vượng thoái tử của cửu tinh, và quan sát hình thế nhà, cảnh quan xung quanh để nhận định và hóa giải.
Các sao sinh vượng khí là các sao tốt:
- Nếu các sao này ở vị trí chủ hướng, mà ở hướng đó lại có Thủy (sông ngòi, ao hồ,…) thì tính chất sinh vượng càng phát triển. Ở đô thị thì những con đường chạy qua cũng được coi là Thủy. Nếu như không có Thủy, thì ta có thể kích hoạt tính chất sinh vượng bằng cách tạo ra Thủy. Có thể để hồ cá, tiểu cảnh nước, bể cá thủy sinh,… ở hướng đó. Hoặc có thể chỉ cần dùng Hư thủy. Như các loại tranh ảnh vẽ cảnh biển cả, dùng màu sắc thuộc thủy, các hình lượn sóng…
- Nếu các sao này ở vị trí chủ sơn, mà ở hướng đó lại có Sơn (đồi núi, non bộ…) thì tính chất sinh vượng càng phát triển. Ở đô thị thì những tòa nhà cao tầng ở phía đó cũng được coi là Sơn. Nếu như không có Sơn, thì ta có thể kích hoạt tính chất sinh vượng bằng cách tạo ra Sơn. Có thể đắp đất thành một gò nhỏ, làm hòn non bộ… ở hướng đó. Hoặc có thể chỉ cần dùng Hư sơn. Như các loại tranh ảnh vẽ cảnh đồi núi trùng điệp, hoặc một động đá thạch anh cũng rất tốt.
Ngược lại, các sao sát khí, tử khí là xấu:
- Nếu các sao này ở vị trí chủ hướng thì hướng đó không nên có Thủy. Nếu bể nước, giếng nước, bể cá… ở hướng đó thì nên di chuyển qua vị trí khác.
- Nếu các sao này ở vị trí chủ sơn thì hướng đó không nên có Sơn. Nếu hòn non bộ, hay những thứ tượng trưng cho Sơn ở hướng đó thì nên di chuyển qua hướng khác.