Tọa không triều mãn là phép quan sát và luận giải đồ bàn phi tinh. Dựa trên vị trí của sao đương vận trên các cung sơn hướng của nhà.

Có tất cả 5 thế nhà quan sát được trong phép Tọa không triều mãn. Bao gồm: Thượng sơn hạ thủy, Vượng sơn vượng hướng, Thượng sơn, Hạ thủy, Sơn hướng vô định.

Thế nhà Thượng sơn hạ thủy trong Tọa không triều mãn

Một ngôi nhà bị phạm Thượng sơn hạ thủy khi sao chủ vận (sao đương vận) tập trung ở vị trí chủ sơn ở cung hướng và vị trí chủ hướng ở cung sơn trong đồ bàn phi tinh tiểu vận. Hay còn gọi là “Hữu sơn tả hướng”. Đây là trường hợp xấu nhất trong các trường hợp phạm phong thủy theo phép Tọa không triều mãn của Huyền không học.

Như trường hợp nhà sơn Tuất hướng Thìn ở hình dưới. Sao chủ vận Bát bạch nằm ở bên phải (hữu) của cung sơn. Đồng thời nằm ở bên trái (tả) của cung hướng:

Để hiểu rõ các tác hại và cách hóa giải thế nhà phạm Thượng sơn hạ thủy, có thể xem bài chi tiết tại đây: Thế nhà phạm Thượng sơn hạ thủy.

Thế nhà phạm Thượng sơn trong Tọa không triều mãn

Thượng sơn là một khái niệm chỉ trường hợp một ngôi nhà phạm phải thế song tinh đáo sơn. Đây là một thế nhà xấu trong phong thủy theo Huyền Không phi tinh. Một ngôi nhà bị phạm thượng sơn khi sao chủ vận (sao đương vận) tập trung ở cả vị trí chủ sơn và chủ hướng ở cung sơn trong đồ bàn phi tinh tiểu vận. Hay còn gọi là “Song tinh đáo sơn”. Đây là trường hợp ngược lại của thế nhà phạm Hạ thủy.

Như trường hợp nhà sơn Dậu hướng Mão ở hình dưới. Sao chủ vận Bát bạch nằm cả ở bên trái (tả) và bên phải (hữu) của cung sơn:

Để hiểu rõ các tác hại và cách hóa giải thế nhà phạm Thượng sơn, có thể xem bài chi tiết tại đây: Thế nhà phạm Thượng sơn.

Thế nhà phạm Hạ thủy trong Tọa không triều mãn

Hạ thủy là một khái niệm chỉ trường hợp một ngôi nhà phạm phải thế song tinh đáo hướng. Đây là một thế nhà xấu trong phong thủy theo Huyền Không phi tinh. Một ngôi nhà bị phạm hạ thủy khi sao chủ vận (sao đương vận) tập trung ở cả vị trí chủ sơn và chủ hướng ở cung hướng trong đồ bàn phi tinh tiểu vận. Hay còn gọi là “Song tinh đáo hướng”. Đây là trường hợp ngược lại của thế nhà phạm Thượng sơn.

Như trường hợp nhà sơn Tý hướng Ngọ ở hình dưới. Sao chủ vận Bát bạch nằm cả ở bên trái (tả) và bên phải (hữu) của cung hướng:

Để hiểu rõ các tác hại và cách hóa giải thế nhà phạm Hạ thủy, có thể xem bài chi tiết tại đây: Thế nhà phạm Hạ thủy.

Thế nhà Vượng sơn vượng hướng trong Tọa không triều mãn

Vượng sơn vượng hướng là thế nhà tốt đẹp nhất trong phép Tọa không triều mãn. Nó còn được gọi là “Tả sơn hữu hướng”. Tức là sao chủ vận nằm ở bên trái (tả) của cung sơn. Và đồng thời nằm bên phải (hữu) ở cung hướng. Trường hợp này vượng cả đinh (nhân đinh) và tài (tài lộc).

Như trường hợp nhà sơn Sửu hướng Mùi ở hình dưới. Sao chủ vận Bát bạch nằm ở bên trái (tả) của cung sơn. Đồng thời nằm ở bên phải (hữu) của cung hướng. Như vậy đạt Vượng sơn vượng hướng:

Thế nhà Sơn hướng vô định trong Tọa không triều mãn

Đây là thế nhà thường gặp trong loại đồ hình phi tinh kiêm hướng. Lúc này, do sử dụng thế quái nên sao đương vận có thể bị thay thế bằng một sao khác. Khi đó, các nguyên tắc trong Tọa không triều mãn bị phá vỡ. Nhà có thể không rơi vào bất kỳ thế nhà nào kể trên. Ta gọi đây là thế nhà Sơn hướng vô định.

Như trường hợp căn nhà tọa Tý hướng Ngọ, lập kiêm hướng dưới đây. Sao đương vận là sao số 8 (Bát bạch). Các sao chủ sơn hướng ở trung cung đáng lẽ là sao số 4 (Tứ lục) và sao số 3 (Tam bích). Nhưng do kiêm hướng, nên thế quái là các sao số 6 (Lục bạch) và số 2 (Nhị hắc) đã nhập trung cung và thay thế cho các sao 4-3. Khi phi tinh toàn đồ bàn thì ở cả cung hướng và cung sơn đều không xuất hiện sao số 8 (Bát bạch) nữa. Do đó trường hợp này rơi vào dạng Sơn hướng vô định. Lúc này ta không thể sử dụng các nguyên tắc của Tọa không triều mãn, mà chỉ có thể áp dụng các quy luật về sinh vượng thoái tử của các sao để nhận định.