Phản phục ngâm là thế nhà đại hung trong phong thủy Huyền không phi tinh. Nó bao gồm hai thế nhà Phản ngâm và Phục ngâm. Trong đó Phản ngâm nguy hại hơn.
Phục ngâm là gì
Khi sơn tinh, hướng tinh trong phi tinh bàn là Ngũ hoàng nhập trung cung. Sau đó bay thuận tới 8 cung. Lúc này phi tinh của 8 cung đều giống với địa bàn Lạc thư. Thì cách cục này gọi là Phục ngâm.
Phục ngâm lại được chia thành 2 trường hợp: phục ngâm toàn bàn và phục ngâm đơn cung.
Phục ngâm toàn bàn
Nếu như tất cả 8 cung của phi bàn đều giống hệt với các sao nằm trên địa bàn Lạc thư, thì đây là trường hợp Phục ngâm toàn bàn.
Như trường hợp nhà tọa Khôn hướng Cấn như hình dưới. Có thể thấy sao Ngũ hoàng (số 5) nhập trung cung ở vị trí chủ sơn. Khi phi tinh sao này đến các cung địa bàn thì: sao 6 tới Càn, sao 7 tới Đoài, sao 8 tới Cấn, sao 9 tới Ly, sao 1 tới Khảm, sao 2 tới Khôn, sao 3 tới Chấn, sao 4 tới Tốn. Như vậy là về vị trí của các sao này trùng khớp với vị trí ban đầu của chúng trên địa bàn Lạc thư.
Trường hợp sơn tinh phạm Phục ngâm toàn bàn như thế này sẽ ảnh hưởng đến nhân đinh, tức là sức khỏe, thọ yểu… của những người sống trong gia đình. Còn trong trường hợp hướng tinh bị phạm thì sẽ ảnh hưởng đến tài lộc, công danh, sự nghiệp…
Phục ngâm đơn cung
Đây là trường hợp chỉ có một hoặc một vài cung bị phạm Phục ngâm. Tức là ở một cung nào đó, sơn tinh và hướng tinh trùng khớp với vị trí ban đầu của nó trên địa bàn Lạc thư.
Như trường hợp nhà sơn Càn hướng Tốn dưới đây. Có thể thấy ở cung Đoài hướng Tây có sao số 7 (Thất xích). Trên địa bàn Lạc thư sao số 7 cũng nằm ở cung Đoài. Do đó ta nói, sơn tinh của cung Đoài bị phạm Phục ngâm đơn cung. Trường hợp này, nếu sao bị phạm là sao sinh vượng thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu là sao suy tử thì cần cẩn trọng, không nên động sự ở phương này.
Một trường hợp khác cũng bị coi là phạm Phục ngâm đơn cung, đó là khi sơn tinh và hướng tinh của một cung bất kỳ trùng với vận tinh ở cung đó. Như trường hợp nhà sơn Càn hướng Tốn ở trên. Ở cung Ly, hướng tinh là sao số 3 (Tam bích), trùng với vận tinh cũng là sao 3. Như vậy hướng tinh ở cung Ly bị phạm Phục ngâm đơn cung.
Phản ngâm là gì
Trái với trường hợp Phục ngâm là Phản ngâm. Đây là trường hợp khi sao Ngũ hoàng nhập trung cung rồi phi nghịch đến 8 cung. Lúc này các sao sẽ đối nghịch với cung nguyên thủy trên địa bàn Lạc thư. Hay nói cách khác, các sao cộng với sao của cung tương ứng trên địa bàn Lạc thư có tổng là 10.
Phản ngâm lại được chia thành 2 trường hợp: Phản ngâm toàn bàn và Phản ngâm đơn cung.
Phản ngâm toàn bàn
Như trường hợp nhà sơn Sửu hướng Mùi dưới đây. Ta thấy sao số 5 (Ngũ hoàng) nhập trung cung. Sau đó phi nghịch đến các cung còn lại.
Ta so sánh với địa bàn Lạc thư ở hình dưới. Thấy sao số 4 (Tứ lục) ở cung Càn. Trong khi sao số 4 trên địa bàn lại ở cung Tốn, là cung đối nghịch với cung Càn. Hay nói cách khác, sao số 4 ở cung Càn + sao số 6 (ở cung Càn trên địa bàn Lạc thư) có tổng là 10. Ở tất cả các cung còn lại cũng đều xảy ra quan hệ như vậy. Do đó trường hợp nhà này phạm Phản ngâm toàn bàn.
Phản ngâm đơn cung
Tương tự như trường hợp Phục ngâm đơn cung, Phản ngâm đơn cung là khi xảy ra phản ngâm ở một hoặc một vài cung nào đó. Chứ không xảy ra trên toàn bộ đồ bàn.
Trở lại ví dụ nhà tọa Khôn hướng Cấn ở trên. Trường hợp này xảy ra Phục ngâm toàn bàn ở vị trí sơn tinh như đã nói. Tuy nhiên nếu xét hướng tinh, ta thấy ở cung Đoài có sao số 3 (Tam bích). Sao này ở trên địa bàn Lạc thư nằm ở cung Chấn, đối diện với cung Đoài. Hay nói cách khác, sao số 3 ở cung Đoài + sao số 7 (nằm ở cung Đoài trên địa bàn Lạc thư) có tổng là 10. Do đó có thể nói: hướng tinh của cung Đoài phạm Phản ngâm đơn cung.
Trường hợp này cung Đoài vừa phạm Phục ngâm, vừa phạm Phản ngâm. Ở vận 8, sao số 3 đang là sát khí, sao số 7 đang là thoái khí. Nếu là sinh vượng khí thì còn đỡ. Nên cung Đoài có thể nói là cung rất xấu.
Tác hại của Phản phục ngâm
Phản phục ngâm là các cách cục đại hung trong phi tinh bàn. Dương Quân Tùng từng nói: “Phản ngâm, phục ngâm họa khó cản”. Nên có thể thấy mức độ ghê gớm của tai họa.
Nếu toàn cục sơn bàn phạm phản phục ngâm thì chủ giảm nhân khẩu. Còn nếu toàn cục hướng bàn phạm phản phục ngâm thì chủ phá tài. Nếu phản phục ngâm cùng đồng thời xuất hiện trong bàn thì mức độ tai họa càng nghiêm trọng, nhẹ thì dễ gặp điều bất hạnh, nặng thì có thể chết oan uổng.
Nếu đơn cung phạm phản phục ngâm thì không nên dụng sự tại phương vị đó, nếu không tai họa sẽ xảy ra.
So với phục ngâm, thì mức độ nguy hại của phản ngâm nghiêm trọng hơn nhiều.
Tại sao phản phục ngâm lại nguy hại ghê gớm như vậy? Điều này chủ yếu liên quan đến Ngũ hoàng. Ngũ hoàng đóng ở trung cung, là hoàng cực, không thuộc về thuộc tính của quẻ ở 8 cung. Sau khi nó tiến vào từng cung từng vận thì sẽ phát huy tác dụng theo thuộc tính ngũ hành của từng cung. Hoặc tương xung, hoặc khắc sát, từ đó hình thành tai họa.
Cách hóa giải, bổ cứu Phản phục ngâm
Cách cục phản phục ngâm rất khó hóa giải. Thường nếu phản phục ngâm xảy ra ở đơn cung, mà cung đó không phải cung hướng, thì có thể dùng Thu sơn xuất sát để hóa giải. Còn nếu xảy ra ở cung hướng, hay trên toàn đồ bàn, hoặc trường hợp cả phản ngâm và phục ngâm đồng cung, thì rất nặng. Nếu có thể sử dụng thế quái, bằng cách điều chỉnh hướng nhà thành kiêm hướng thì có thể thay đổi được.
Trường hợp phản phục ngâm toàn bàn có thể xảy ra cùng lúc với cách cục Thượng sơn hạ thủy. Trường hợp nếu cả 2 họa này cùng xảy ra đồng thời thì tốt nhất không nên ở căn nhà này.