Lập tinh bàn nguyệt vận, hay phi tinh nguyệt vận là phép phi tinh theo từng tháng. Đây là loại hình phi tinh phổ biến thứ ba sau phi tinh tiểu vận và phi tinh niên vận. Các hình thức phi tinh theo Nhật và Thời vận ít dùng hơn, thường ứng dụng để đoán việc là chính.
Chu trình tính thời gian
Trước hết phải nói qua về chu trình tính thời gian của người xưa. Theo thứ tự từ lớn đến bé có:
- Chu: 180 năm.
- Nguyên (hay đại vận): 60 năm. Gồm: thượng nguyên, trung nguyên, hạ nguyên
- Vận (hay tiểu vận): 20 năm. Mỗi 3 năm ứng với 1 đại vận. Trong 1 chu có 9 tiểu vận: từ tiểu vận 1 đến tiểu vận 9.
- Niên (hay năm): 1 năm.
- Nguyệt (tháng)
- Nhật (ngày)
- Thời (giờ)
Phi tinh nguyệt vận là gì
Trong phép phi tinh theo tiểu vận, khoảng thời gian của tinh bàn được xác định trong 1 tiểu vận cụ thể, từ tiểu vận 1 đến tiểu vận 9. Đây là “quãng đời” phổ biến của một căn nhà, cho nên phi tinh theo tiểu vận được coi là hình thức phi tinh phổ biến nhất.
Sau phi tinh tiểu vận là đến phi tinh niên vận, nguyệt vận, nhật vận và thời vận. Ở các loại hình phi tinh này, quãng thời gian tác dụng của phi tinh bàn là trong các đơn vị thời gian tương ứng: năm, tháng, ngày, giờ.
Phi tinh niên vận là việc lập đồ bàn phi tinh ứng với thời gian theo từng năm. Mục đích của việc này là để xác định tốt xấu hung cát của căn nhà trong từng giai đoạn 1 năm.
Còn phi tinh nguyệt vận là việc lập đồ bàn phi tinh ứng với thời gian theo từng tháng. Mục đích của việc này là để xác định tốt xấu hung cát của căn nhà vào từng tháng trong năm. Loại hình phi tinh này thường ít khi dùng, chủ yếu để xác định tháng phù hợp trong việc động thổ xây dựng nhà.
Các hình thức phi tinh còn lại như nhật vận hay thời vận hầu như không dùng.
Cách thức phi tinh nguyệt vận
Cách phi tinh theo nguyệt vận cơ bản giống với phi tinh niên vận, chỉ khác ở sao chủ vận. Chủ yếu nằm ở việc tìm ra sao chủ nguyệt vận (sao nhập trung cung).
Tìm sao chủ nguyệt vận
Dưới đây là cách tìm sao chủ nguyệt vận (sao nhập trung cung trong phi tinh bàn nguyệt vận):
- Đầu tiên ta tính một số trung gian gọi là N. Tuỳ vào địa chi của năm đó, N sẽ nhận giá trị khác nhau
- Cụ thể N = 9,6,3,9,6,3,9,6,3,9,6,3 lần lượt ứng với các năm từ Tý đến Hợi.
- Sau khi tìm được N, ta so sánh N với số tháng cần xem (tháng âm). Nếu N lớn hơn thì trừ N cho số tháng đó, là ra kết quả.
- Trong trường hợp N nhỏ hơn số tháng thì ta cộng thêm 9, đến khi lớn hơn được số tháng thì ta trừ đi số tháng.
Ví dụ: tính sao chủ nguyệt vận vào tháng 2 và tháng 4 (tháng âm lịch) của năm Bính Thân 2016:
- Đầu tiên ta có số N là 3 (ứng với năm Thân)
- Trường hợp tháng 2 âm: vì N = 3 > 2, nên lấy 3 trừ đi 2 bằng 1. Vậy sao số 1 (sao Nhất bạch) là sao chủ nguyệt vận.
- Trường hợp tháng 4 âm: vì N = 3 < 4, nên lấy N cộng thêm 9 được 12. Vì 12 đã lớn hơn 4, nên lấy 12 trừ đi 4 bằng 8. Vậy sao số 8 (sao Bát bạch) là sao chủ nguyệt vận.
Phi tinh sao chủ nguyệt vận trên toàn đồ bàn
Bước tiếp theo, ta tiến hành phi tinh các sao trên toàn đồ bàn. Chiều phi tinh mặc nhiên luôn là chiều thuận. Như vậy, ta tiến hành việc phi tinh tương tự như với trường hợp phi tinh tiểu vận theo chiều thuận.
Ví dụ trường hợp tháng 4 âm năm Bính Thân 2016 ở trên, ta có sao chủ là 8 (sao Bát bạch). Thì tiến hành phi tinh toàn bộ đồ bàn như sau: