Bát du niên là khái niệm thường gặp trong phong thủy Bát trạch minh cảnh. Nó quyết định các cung tốt xấu. Nhưng an bát du niên như thế nào?
Bát du niên là gì
Bát du niên là tám ngôi sao trong phong thủy. Gồm 4 sao tốt là: Sinh khí, Thiên y, Diên niên (có nơi gọi là Phúc đức), Phục vị. Và 4 sao xấu là: Họa hại, Ngũ quỷ, Lục sát, Tuyệt mệnh.
Các sao này được xếp đặt theo các thứ tự không giống nhau trên đồ bàn bát cung, và quyết định tính chất cát hung của từng cung.
Để hiểu rõ hơn về khái niệm Bát du niên, có thể xem bài viết: Bát du niên
An bát du niên dựa vào gì
An bát du niên phụ thuộc vào Mệnh (tức là chủ nhà) chứ không phụ thuộc vào Trạch (tức là căn nhà). Có nghĩa là, một ông A ở căn nhà A, thì bát du niên phân bố như thế này. Khi ông A đến ở căn nhà B thì bát du niên vẫn như vậy không thay đổi. Nó luôn cố định theo tuổi của ông A.
Ngược lại, cùng một căn nhà, nhưng nếu 2 người chủ khác nhau vào ở, thì sơ đồ an bát du niên lại khác nhau.
Dưới đây là đồ hình an bát du niên với 8 loại quẻ mệnh khác nhau của chủ nhà:
Để biết cách tính quẻ mệnh, xin mời xem bài viết: Cách tính quẻ mệnh
Hướng dẫn an bát du niên
Để an bát du niên chúng ta có 5 cách: sử dụng phần mềm (1), sử dụng bảng tra (2), sử dụng la kinh (3), dùng phương pháp hình vuông (4) và phương pháp hào động (5).
Cách 1: An bát du niên bằng phần mềm
Đây là cách an bát du niên đơn giản nhất. Người không biết gì về phong thủy cũng có thể làm được. Có thể là phần mềm trên máy tính, trên điện thoại, hoặc trên các website. Như phần mềm xem phong thủy nhà của chúng tôi.
Tuy nhiên, phương pháp này không chủ động. Người dùng bị lệ thuộc vào phần mềm. Và cũng không hiểu bản chất sâu xa của bát du niên được.
Cách 2: An bát du niên bằng bảng tra
Cách này thường được các thầy phong thủy (đặc biệt là các thầy nhiều tuổi) lựa chọn. Ưu điểm của nó là nhanh, đơn giản. Tuy vẫn bị lệ thuộc vào một cuốn sổ (hoặc tờ giấy). Nếu chẳng may quên ở nhà là khỏi xem luôn.
Dưới đây là bảng tra nhanh các cung của bát du niên. Dựa vào mệnh tuổi của mỗi người mà biết được bát du niên phân bố như thế nào. Ví dụ: người mệnh Ly, thì ở hướng Tây Bắc sẽ là cung Tuyệt Mệnh, hướng Bắc là cung Phúc Đức (hay Diên Niên), hướng Đông Bắc là cung Họa Hại…
Cách 3: An bát du niên bằng la kinh
La kinh là một công cụ không thể thiếu của những người thực hành phong thủy. Không chỉ dùng để đo hướng nhà, la kinh còn dùng để tra cứu nhiều nội dung phong thủy, trong đó có việc an bát du niên.
Dưới đây là mẫu la kinh phổ biến với 18 tầng. Hãy để ý tầng về bát du niên (tầng 12). Ở hướng Bắc (Khảm) có thể thấy ở tầng này có ghi: Ngũ Y Sinh Phúc Tuyệt Họa Lục. Điều này có nghĩa là:
Với người mệnh Khảm (ứng với cung Khảm) thì hướng Bắc sẽ là Phục Vị, các cung tiếp theo (theo chiều kim đồng hồ) lần lượt là: Đông Bắc (Ngũ quỷ), Đông (Thiên y), Đông Nam (Sinh khí), Nam (Phúc đức hay Diên niên), Tây Nam (Tuyệt mệnh), Tây (Họa hại), Tây Bắc (Lục sát).
Lưu ý rằng: người mệnh nào thì cung đó luôn là Phục vị. Người mệnh Khảm thì cung Khảm (hướng Bắc) là Phục vị. Người mệnh Ly thì cung Ly (hướng Nam) là Phục vị. Sau đó tính từ cung Phục vị này theo chiều kim đồng hồ, an lần lượt các du niên theo thứ tự đã được in sẵn trên la kinh.
Cách 4: An bát du niên bằng phương pháp hình vuông
Đây là phương pháp tính thủ công. So với các phương pháp trên thì nó phức tạp hơn, làm lâu hơn. Nhưng bù lại, nó sẽ rất chủ động. Chỉ cần một tờ giấy và một cái bút là có thể tính được. Thậm chí với người thành thạo chỉ cần hình dung trong đầu cũng xong.
Phương pháp này và phương pháp an bát du niên bằng quẻ dịch (dưới đây) đều là phương pháp thủ công. Tuy nhiên phương pháp theo quẻ dịch sẽ dễ hiểu và đơn giản hơn. Do đó, nếu lựa chọn phương pháp thủ công, chúng tôi khuyến nghị sử dụng phương pháp quẻ dịch. Tuy nhiên, có thể vẫn nghiên cứu phương pháp này để hiểu rõ hơn.
Dưới đây là hình vuông cần phải nhớ của phương pháp này. Dựa vào hình vuông này, ta có thể an bát du niên một cách dễ dàng.
Các bước an bát du niên theo phương pháp hình vuông:
Lấy ví dụ cho người sinh năm 1982 mệnh Ly Hỏa. Những mệnh khác có thể làm tương tự:
- Đầu tiên, phân bát du niên thành 4 cặp như sau:
- Phục vị – Diên niên (cặp 1)
- Tuyệt mệnh – Lục sát (cặp 2)
- Sinh khí – Thiên y (cặp 3)
- Ngũ quỷ – Họa hại (cặp 4)
- Hai cặp du niên màu đỏ là du niên tốt, hai cặp du niên màu đen là du niên xấu.
-
An các du niên tốt:
- Đầu tiên an Phục vị. Người mệnh Ly thì cung Ly sẽ là Phục vị. Nếu người mệnh Khảm thì cung Khảm là Phục vị. Vậy ta ghi “Phục vị” vào cung Ly trên hình vuông.
- Tiếp theo, Diên niên cùng cặp với Phục vị, nên nó sẽ đối diện với Phục vị, và ở cung Khảm.
- Nhớ rằng, Ly Chấn Tốn Khảm là cùng thuộc Đông tứ, còn Càn Đoài Khôn Cấn là thuộc Tây tứ, cho nên cặp Sinh khí – Thiên y chắc chắn phải nằm ở Chấn và Tốn (cùng nhóm với Phục vị – Diên niên).
- Sinh khí luôn ở cạnh Phục vị, cho nên nó sẽ ở cung Chấn.
- Thiên y cùng cặp với Sinh khí, nên ở đối diện, tức là cung Tốn.
-
An các du niên xấu:
- Tiếp theo an đến các du niên xấu. Hãy để ý ở đây có 2 hình vuông. Hình vuông màu xanh to và hình màu hồng nằm bên trong.
- Xét hình vuông màu hồng trước. Đỉnh của nó là: Ly, Càn, Khảm, Khôn. Phục vị ở Ly. Tiếp theo đến Càn sẽ là Tuyệt mệnh (vì Tuyệt mệnh được viết ngay dưới Phục vị ở 4 cặp nói trên). Vậy Tuyệt mệnh nằm ở Càn.
- Lục sát cùng cặp với Tuyệt mệnh nên nó nằm ở phía đối diện, cung Khôn.
- Xét tiếp hình vuông màu xanh. Đỉnh của nó là: Chấn, Đoài, Tốn, Cấn. Sinh khí nằm ở Chấn. Tiếp theo đến Đoài sẽ là Ngũ quỷ (vì Ngũ quỷ được viết ngay dưới Sinh khí ở 4 cặp nói trên). Vậy Ngũ quỷ nằm ở Đoài.
- Cuối cùng, Họa hại cùng cặp với Ngũ quỷ, nên nó sẽ nằm ở phía đối diện với Ngũ quỷ, là ở cung Cấn.
- Đến đây ta đã an xong toàn bộ bát du niên.
Cách 5: An bát du niên bằng phương pháp hào động
Đây là phương pháp an bát du niên theo kiểu thủ công khá đơn giản, dễ nhớ, dễ làm. Nguyên tắc là so sánh tượng quẻ giữa quẻ Mệnh và quẻ cung địa bàn, xem hào động là gì.
Trước tiên, cần nắm rõ tượng quẻ của các quẻ trong Bát quái:
Theo hình, có thể thấy mỗi quẻ sẽ bao gồm 3 vạch (gọi là 3 hào). Hào dưới cùng là hào sơ. Hào ở giữa là hào nhị. Trên cùng là hào thượng. Hào có hai loại: hào liền là hào dương, hào đứt là hào âm.
Như vậy, quẻ Càn là gồm 3 hào dương. Quẻ Khôn có 3 hào âm. Quẻ Khảm là hào dương kẹp giữa 2 hào âm…
Như hình dưới đây là đồ hình bát quái với 8 phương vị. Nhìn vào phần màu đỏ chính là tượng quẻ của từng cung. Hào ở gần tâm vòng tròn được coi như hào sơ (dưới cùng). Hào ở xa tâm vòng tròn nhất là hào thượng (hào trên cùng):
Trường hợp này là gia chủ mệnh Đoài (chữ ở tâm vòng tròn). Quẻ Đoài có hào âm ở trên, hai hào dương ở bên dưới. Ta so sánh tượng quẻ của quẻ Đoài với tượng quẻ của các quẻ trên địa bàn các hướng. Rồi xem hào động (hào khác nhau) giữa 2 quẻ là hào nào.
Nguyên tắc xét như sau:
- Nếu hào 1 động: cung đó là cung Họa Hại
- Hào 1,2 động: Thiên Y
- Hào 1,2,3 động: Diên Niên
- Hào 2,3 động: Ngũ Quỷ
- Hào 3 động: Sinh Khí
- Hào 1,3 động: Lục Sát
- Hào 2 động: Tuyệt Mệnh
- Không động: Phục Vị
Ví dụ về cách xét hào động:
Ta sẽ lấy ví dụ với đồ hình trên:
- Đầu tiên, ta xét hướng Bắc (Khảm). Quẻ Khảm (☵) có hai hào âm ở trên và dưới, giữa là hào dương. So sánh với quẻ Đoài (quẻ mệnh) ☱ có hào âm ở trên, 2 hào dương ở dưới. Như vậy ta thấy hào trên cùng của 2 quẻ đều là hào âm (giống nhau). Hào giữa của cả 2 quẻ đều là hào dương (giống nhau). Chỉ khác nhau duy nhất hào dưới cùng (hào 1). Tức là hào 1 động. Đối chiếu với quy tắc ở trên, rơi vào trường hợp hào 1 động thì đó là cung Họa hại. Kiểm tra trên hình cũng thấy hướng Bắc là cung Họa hại.
- Xét tiếp cung Ly hướng Nam. Quẻ Ly (☲) có hai hào dương ở trên và dưới, giữa là hào âm. So sánh với quẻ Đoài (mệnh) ☱ thấy hào sơ (hào 1) là giống nhau. Hai hào trên khác nhau. Vậy là hào 2 và 3 động. Đối chiếu vào quy tắc, trường hợp hào 2,3 động là cung Ngũ quỷ.
- Các trường hợp khác xét tương tự.
Video minh họa cho phương pháp hào động có ở đây: https://youtu.be/r-8LLIHItFw