Khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi có thể bạn sẽ gặp câu dạng như “Tháng sinh (âm lịch) là tháng 5, nhưng thực tế ngày 28 tháng 5 đã qua tiết Tiểu thử, là tiết thuộc tháng 6, nên phải coi tháng sinh là tháng 6”. Điều này nghĩa là thế nào?

24 tiết khí trong năm

Đầu tiên, bạn cần phải hiểu rõ về khái niệm Tiết khí. Đó là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°. Tiết khí được sử dụng để lập lịch ở các nước thuộc nền văn minh phương Đông cổ đại như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

24 tiết khí bao gồm:

  1. Lập Xuân (立春)
  2. Vũ Thủy (雨水):
  3. Kinh Trập (驚蟄)
  4. Xuân Phân (春分)
  5. Thanh Minh (清明)
  6. Cốc Vũ (穀雨)
  7. Lập Hạ (立夏)
  8. Tiểu Mãn (小滿)
  9. Mang Chủng (芒種)
  10. Hạ Chí (夏至)
  11. Tiểu Thử (小暑)
  12. Đại Thử (大暑)
  13. Lập Thu (立秋)
  14. Xử Thử (處暑)
  15. Bạch Lộ (白露)
  16. Thu Phân (秋分)
  17. Hàn Lộ (寒露)
  18. Sương Giáng (霜降)
  19. Lập Đông (立冬)
  20. Tiểu Tuyết (小雪)
  21. Đại Tuyết (大雪)
  22. Đông Chí (冬至)
  23. Tiểu Hàn (小寒)
  24. Đại Hàn (大寒)
Vị trí 24 tiết khí trên quỹ đạo trái đất khi xoay quanh mặt trời
Vị trí 24 tiết khí trên quỹ đạo trái đất khi xoay quanh mặt trời

Âm lịch và lịch tiết khí

Thông thường trong đời sống, chúng ta thường hay sử dụng Âm lịch, hay lịch mặt trăng (Lunar calendar). Lịch này lấy ngày mùng 1 tháng giêng là điểm khởi đầu của năm mới (Tết nguyên đán). Tuy nhiên ở các môn dự đoán vận mệnh, như Tử Vi Lý Số, Bát Tự Hà Lạc, Tứ Trụ Tử Bình, Kỳ Môn Độn Giáp, Bốc Dịch… hay các môn dự đoán khác như Phong Thủy, Danh tính học… lại sử dụng theo lịch tiết khí.

Tính năm theo lịch tiết khí

Lịch tiết khí khác với Âm lịch ở chỗ nó lấy tiết Lập Xuân là thời điểm khởi đầu của năm mới. Và lấy các tiết trong năm là khởi đầu cho các tháng. Tiết Lập Xuân này trong nhiều năm lại rơi vào tháng chạp (tháng 12) của năm cũ. Vì vậy mặc dù đang tháng chạp nhưng cứ tính từ tiết Lập Xuân trở đi là năm mới. Ngược lại, có những năm tiết Lập Xuân đến muộn, rơi vào thượng tuần hay trung tuần tháng giêng. Như vậy, những ngày trước tiết Lập Xuân, dù đã sang năm mới vẫn phải tính theo năm cũ. Còn năm mới thì sẽ tính từ ngày Lập Xuân trở đi.

Tính tháng theo lịch tiết khí

Tương tự như thế, các tháng cũng tính theo lịch tiết khí, cụ thể như sau:

  1. Tháng giêng (tháng Dần): bắt đầu từ tiết Lập Xuân
  2. Tháng hai (tháng Mão): bắt đầu từ tiết Kinh Trập
  3. Tháng ba (tháng Thìn): bắt đầu từ tiết Thanh Minh
  4. Tháng tư (tháng Tị): bắt đầu từ tiết Lập Hạ
  5. Tháng năm (tháng Ngọ): bắt đầu từ tiết Mang Chủng
  6. Tháng sáu (tháng Mùi): bắt đầu từ tiết Tiểu Thử
  7. Tháng bảy (tháng Thân): bắt đầu từ tiết Lập Thu
  8. Tháng tám (tháng Dậu): bắt đầu từ tiết Bạch Lộ
  9. Tháng chín (tháng Tuất): bắt đầu từ tiết Hàn Lộ
  10. Tháng mười (tháng Hợi): bắt đầu từ tiết Lập Đông
  11. Tháng mười một (tháng Tí): bắt đầu từ tiết Đại Tuyết
  12. Tháng chạp (tháng Sửu): bắt đầu từ tiết Tiểu Hàn

Trở lại câu “Tháng sinh (âm lịch) là tháng 5, nhưng thực tế ngày 28 tháng 5 đã qua tiết Tiểu thử, là tiết thuộc tháng 6, nên phải coi tháng sinh là tháng 6”. Vì tiết Tiểu Thử là thời điểm trời đất chuyển qua tháng 6, nên dù đang là ngày 28 tháng 5 (theo Âm lịch) nhưng đã qua tiết Tiểu Thử, nên coi như tháng 6 âm.

Giải mã ý nghĩa và ứng dụng 24 tiết khí
Giải mã ý nghĩa và ứng dụng 24 tiết khí

Dựa vào đâu mà có quy định như vậy

Đây là những đúc kết từ xa xưa, có từ hàng ngàn năm trước, của cổ nhân. Đó là những người khai sinh ra các môn chiêm bói, bốc dịch, Tử Vi, Bát Tự… Nên nếu ta áp dụng các môn khoa học đó của họ, thì phải tuân thủ theo cách tính lịch của họ, mới đảm bảo chính xác. Nếu như ta không áp dụng theo hệ thống lịch đó, thì vẫn xem được, nhưng tính chính xác sẽ không còn.

Xin được dẫn chứng thêm một vài nguồn để bạn có thể tự kiểm chứng những điều trên:

Sách Lý thuyết tượng số – Hoàng Tuấn

Khác các phép tính khác lấy năm từ mồng một tháng giêng, phép lấy số Hà Lạc tính năm bắt đầu từ tiết Lập Xuân. Tiết này nhiều năm lại rơi vào tháng chạp năm cũ, vì vậy mặc dầu đang tháng chạp nhưng cứ tính từ tiết Lập Xuân trở đi là năm mới… (trang 17).

Cũng như mốc tính năm, trong phép xem số Hà Lạc, tháng cũng được tính theo mốc Tiết khí. Mười hai tháng bắt đầu bằng 12 tiết dưới đây… (trang 26)

Trích sách “Lý Thuyết Tượng Số – Ứng Dụng Kinh Dịch Và Nguyên Lý Toán Nhị Phân“. Tác giả Hoàng Tuấn (tiến sĩ khoa học tại đại học Humboldt Berlin, nguyên đại tá, giáo sư, giám đốc bệnh viện 19/8 Bộ Công An).

Sách Lý thuyết tượng số của Hoàng Tuấn
Sách Lý thuyết tượng số của Hoàng Tuấn

Sách Dự đoán theo tứ trụ – Thiệu Vỹ Hoa

Trụ tháng tức là dùng can chi âm lịch để biểu thị tiết lệnh của tháng sinh. Ví dụ người sinh ngày mồng 1 tháng 9 âm lịch năm 1973, tức ngày sinh đã quá tiết Bạch Lộ cho nên nằm trong tiết lệnh của tháng 8. Từ lịch Vạn Niên có thể tra được tháng sinh là Tân Dậu. Cho dù âm lịch là tháng nào thì âm chi của tháng cũng lấy tiết lệnh làm chuẩn. Trước giao tiết thì lấy tiết lệnh tháng trước, sau giao tiết lấy lệnh tháng sau… Địa chi của trụ tháng mỗi năm cố định không đổi, bắt đầu từ tháng dần đến tháng sửu kết thúc. Ranh giới giữa các tháng căn cứ vào tiết lệnh để tính:

Tháng 1 (Dần): từ Lập Xuân đến hết Kinh Trập
Tháng 2 (Mão): từ Kinh Trập đến hết Thanh Minh
v.v…

Trích trang 41 sách Dự đoán theo Tứ Trụ, của Nguyễn Văn Mậu, dịch từ bản tiếng Hán của Thiệu Vĩ Hoa và Trần Viên.

Dự đoán theo Tứ Trụ - Thiệu Vỹ Hoa và Trần Viên
Dự đoán theo Tứ Trụ – Thiệu Vỹ Hoa và Trần Viên

Sách Chọn tên theo phương pháp khoa học – Hứa Thiệu Long

Năm trong mạng học, không phải dùng ngày 1 tháng 1 của âm lịch làm khởi đầu trong năm mà phải dùng tiết khí Lập Xuân trong âm lịch làm giao điểm của năm mới và năm cũ…

Các tháng trong mạng học không phải bắt đầu từ ngày 1 trong mỗi tháng theo âm lịch. Ngày 29 hay 30 cũng không phải là ngày cuối cùng của tháng. Nên tra trong lịch Vạn thế ắt rõ 24 tiết khí.
Tháng 1 chi dần từ tiết Lập Xuân đến Vũ Thủy
Tháng 2 chi mão từ tiết Kinh Trập đến Xuân Phân
v.v…

Trích từ trang 162 đến 164 sách Chọn tên theo phương pháp khoa học của Hứa Thiệu Long. NXB Văn hóa thông tin phát hành năm 1995.

Sách Chọn tên theo phương pháp khoa học - Hứa Thiệu Long
Sách Chọn tên theo phương pháp khoa học – Hứa Thiệu Long

Dẫn chứng từ website Trung Quốc

Trung Quốc là cái nôi của các môn khoa học phương Đông cổ đại như Tử Vi, Bát Tự, Phong Thủy… Các thư tịch cổ đều ra đời và lưu trữ ở đây, nên có rất nhiều trang web viện dẫn lại các thư tịch cổ đó. Trong số đó có những nội dung liên quan đến lịch tiết khí. Mà trang web dưới đây là một ví dụ:

Nguyên bản tiếng Trung:

网友来函问:2021二月三日星期三是立春日,是金丑牛年第一天。立春日是寅虎月的第一天,二月三日是壬水午马日,此日干支应该是「辛丑年,庚寅月,壬午日」。為何「我的八字」网站把2021二月三日金午时出生者的八字年柱是「庚子年」?是否错误?

首先,再提醒一下命理生肖的转换点是太阳节气立春日,和农历新年无关。2021农历新年是在阳历二月一十二日,星期五。当日是阴历正月初一,月朔日。所以,八字命理用阳历生日转算较快,不要用阴历。

Tạm dịch:

Có một bạn hỏi rằng: Thứ 4 ngày 3 tháng 2 năm 2021 là ngày Lập xuân, ngày đầu tiên của năm Đinh Sửu. Can chi của ngày này nên là “Ngày Nhâm Ngọ, Tháng Canh Dần, Năm Tân Sửu”. Tại sao trang web “Tứ Trụ của tôi” lại đề cập đến “Năm Canh Tí” cho những người sinh ngày 3 tháng 2 năm 2021. Có sai không?

Trước hết, tôi xin nhắc lại rằng, điểm chuyển tiếp của cung hoàng đạo trong thuật số chính là ngày Lập xuân, không liên quan gì đến Tết Nguyên Đán. Tết Âm lịch 2021 là vào Thứ Sáu, ngày 12 tháng Hai theo Dương lịch. Hôm đó là ngày mồng một tháng Giêng âm lịch. Thuật số Bát Tự sử dụng lịch tiết khí để tính ngày sinh, chứ không sử dụng lịch âm.

Trich từ http://cn.5d8z.com/Feb-3-2021.htm

Có thể thấy ở hình minh họa họ vẽ, thời điểm 22 giờ 30 ngày mùng 3 tháng 2 năm 2021 là trước tiết Lập Xuân, nên vẫn thuộc tháng Sửu năm Tí. Nhưng sang 23 giờ 30 cùng ngày đó là đã qua tiết Lập Xuân, nên tính thành tháng Dần của năm Sửu.

Dẫn chứng từ một số website ở Việt Nam

Diễn đàn lý số

Ví dụ: Năm 2006 LẬP XUÂN lúc 13h14′ ngày 17 tháng 12 âm lịch. Như vậy, tuy còn là năm BÍNH TUẤT nhưng nếu ai sinh từ giờ phút ngày tháng trên thì đã tính là sinh tháng giêng năm ĐINH HỢI. Cho đến 07h24’ ngày 17 tháng 1 âm lịch năm 2007 chuyển tiết khí KINH TRẬP thì tính là tháng 2 âm lịch. Cứ tương tự như vậy mà tính các tháng tiếp theo. Căn cứ theo cách tính trên để áp dụng tính giờ trong rất nhiều lĩnh vực như an số Tử Vi, Bói Dịch, cất nhà, khai trương v.v…

Trích từ diễn đàn Lý số: https://lyso.vn/viewtopic.php?t=35097

*****

Chuyên gia mệnh lý Phan Thiên Ân

Bát tự ở Việt Nam đang có xu hướng phát triển bởi tính chính xác của nó cao hơn rất nhiều so với một số môn mệnh lý hiện đang phổ biến như Tử Vi. Nhưng có một điều đặc biệt là Bát tự không dùng lịch Dương cũng không dùng lịch Âm mà Bát tự dùng lịch Tiết khí để lập lá số.

Trích từ bài “Tại sao Bát tự dùng lịch Tiết khí mà không dùng Âm lịch hay Dương lịch?

*****

Website Tử vi khoa học

Môn Phong thủy Huyền không phi tinh, môn Tứ trụ, môn Kỳ môn độn giáp và nhiều môn dự đoán khác không sử dụng lịch âm, lịch dương mà sử dụng lịch theo tiết khí. Cụ thể là mỗi tháng gồm có hai tiết. Tháng giêng của họ được tính từ tiết Lập xuân đến tiết Kinh trập, tháng hai cũng tương tự như vậy. Việc xác định thời gian theo lịch tiết khí căn cứ vào quy luật vận hành của vũ trụ, có thể giúp việc dự đoán có tính chính xác cao.

Trích từ: https://tuvikhoahoc.vn/khai-niem-nguon-goc-va-y-nghia-cua-tiet-khi-A53216847.html

*****

Website Xem vận mệnh

Bắt đầu mỗi tháng theo lịch Tiết khí dựa theo giờ tiết khí làm chuẩn mà tính ngày đầu tiên của tháng. Ngày giờ trước tiết khí coi như của tháng trước, cho dù âm lịch hoặc tháng nhuận là tháng nào thì âm chi của tháng đó cũng lấy tiết lệnh làm chuẩn. Nếu sinh vào đúng ngày giao tiết thì phải tra xem giao tiết lúc mấy giờ để xác định trụ tháng cho chính xác. Ví dụ năm 1982 có tiết Lập Đông vào lúc 1 giờ 04 phút ngày 8/11/1982 dương lịch (tức 23/09/1982 âm lịch) thì trước 1 giờ 04 phút thì vẫn tính là tháng Canh Tuất, còn sau đó tính là tháng Tân Hợi.

Trích từ: https://xemvm.com/kien-thuc-phong-thuy/lich/lich-tiet-khi-va-la-so-tu-tru-357.html

*****

Website Tử vi vận số

Ta lấy tiết đầu tiên là tiết lập xuân làm chuẩn và tháng đầu tiên trong năm âm lịch là tháng dần. Nếu ngày trước lập xuân vẫn tính là năm trước. Ví dụ: Năm Giáp Ngọ 2014, lập xuân là ngày 5 tháng giêng, thì từ ngày 5 tháng giêng trử đi tính là năm Giáp Ngọ, còn trước ngày 5 tháng giêng thì tính là năm Quý Tỵ (dựa vào lịch vạn niên để tra cứu).

Bắt đầu mỗi tháng lấy giờ trung tiết (tiết khí) làm chuẩn mà tính ngày đầu tiên của tháng. (Dựa vào lịch vạn niên để tra cứu). Ngày giờ trước tiết (trung tiết) coi như là của tháng trước. Ví dụ: 6h ngày 6/2 năm Giáp Ngọ là Kinh trập thì từ 6h ngày 6-2 trở đi là tháng Đinh Mão, trước 6h ngày 6/2 về trước là tháng Bính Dần.

Trích từ: https://tuvivanso.com/giai-nghia/thang-va-cac-tiet-khi-trong-thang/