Cầu thang tuy không thuộc Dương trạch tứ yếu, nhưng cũng rất quan trọng. Vì nó được coi là Khí khẩu, giúp đưa khí qua lại giữa các tầng nhà.
Vị trí cầu thang
Nên đặt ở khoảng giữa nhà để tiện lưu thông
Cầu thang theo nguyên lý thiết kế kiến trúc, cần đặt ở khu vực trung tâm của nhà. Vì nó kết nối giữa các tầng nhà, nên khoảng không gian mà cầu thang dẫn lên từng tầng gọi là sảnh tầng. Sảnh tầng này là nơi tập trung đông người nhất ở mỗi tầng. Từ đó sẽ phải có lối đi dẫn đến từng phòng. Do đó sảnh tầng phải ở vị trí sao cho quãng đường đi đến các phòng là ngắn nhất. Và vì thế, nó phải ở vị trí giữa nhà. Cầu thang kết nối với sảnh tầng, nên cũng phải ở vị trí giữa nhà.
Nên đặt lệch về phía vách Thanh Long
Tuy nhiên, không nên đặt cầu thang vào đúng trung cung của nhà. Vì vị trí của trung cung cần tĩnh, tránh động. Trong khi cầu thang lại là nơi đi lại nhiều nhất. Do đó, vị trí của cầu thang thích hợp nhất là nên ở giữa nhà, nhưng lệch về 1 phía.
Theo quan niệm phong thủy, vách bên trái nhà là vách Thanh Long, bên phải là vách Bạch Hổ. Thanh Long là con rồng xanh cuộn người lên cao, trong khi Bạch Hổ là con hổ trắng đang nép người sát đất, vươn ra phía trước để rình mồi. Vì thế cầu thang nên đặt ở vách trái (tả) của nhà. Vì người ta cho rằng, cầu thang uốn mình vươn lên, cũng giống thế của con rồng (Thanh long).
Như căn nhà dưới đây, cầu thang được đặt ở khoảng giữa, lại nép về phía bên vách trái của nhà (theo hướng từ trong nhìn ra):
Nên đặt ở cung tốt (tọa Cát)
Cầu thang cũng nên ưu tiên đặt ở cung tốt, vì như vậy, nó sẽ luân chuyển được khí tốt lên các tầng. Đặc biệt quan trọng là bậc đầu tiên của cầu thang, phải đặt ở cung tốt. Nếu trong trường hợp cả cầu thang không thể nằm trọn vẹn trong cung tốt, thì phải ưu tiên thiết kế bậc đầu tiên của thang lệch sang phía cung tốt.
Nên có hồ nước dưới chân cầu thang
Theo phong thủy, ở dưới chân cầu thang nên có hồ nước, hoặc tiểu cảnh nước. Tất nhiên điều này chỉ nên làm nếu vị trí cầu thang rơi vào cung tốt. Đặc biệt hướng tinh (sao chủ hướng) phải là sao sinh vượng. Vì nước có tính chất lưu giữ sinh khí. Khí tích tụ ở đây rồi mới theo cầu thang đi lên các tầng.
Tránh đặt đối diện (trực xung) với cửa
Cầu thang cũng không được hướng thẳng ra phía cửa vào. Vì khí từ cửa vào nhà trực xung thẳng vào cầu thang, rồi lên tầng sẽ không tốt. Trong trường hợp như vậy, có thể quay bậc đầu tiên sang hướng khác, hoặc làm bệ xây che chắn đi như hình dưới:
Hình dạng cầu thang
Nên làm cầu thang có nhiều vế, tránh làm thang thẳng tắp một đường. Vì ta đã biết, “Khúc hữu tình, trực vô tình”. Với thang thẳng (trực) sẽ làm khí bị trực xung thẳng lên, không tốt. Thang chữ L, chữ U sẽ tốt hơn thang thẳng. Nhưng tốt nhất vẫn là thang uốn lượn theo chiều cong. Đây là dạng thang giúp sinh khí luân chuyển tốt nhất, đồng thời chặn tà khí lại.
Như trong hình dưới đây, dạng thang tốt nhất là (8), (10), (11). Xấu nhất là (1).
Cấu tạo cầu thang
Để cầu thang được vượng khí nhất, lan can cầu thang nên để thoáng. Các kiểu cầu thang cổ trước đây thường được thiết kế rất chuẩn phong thủy Đó là loại thang dùng con tiện (gỗ hoặc xi măng). Các con tiện có hình tròn giúp sinh khí uốn lượn xung quanh, phản lại các tà khí.
Hiện nay nhiều nhà sử dụng loại cầu thang lan can kín (bằng kính hoặc gỗ) sẽ không tốt bằng:
Ngoài ra, mặt bậc cầu thang nếu làm theo dạng hở cũng tốt hơn, tuy nhiên phải đảm bảo độ vững chãi:
Số bậc cầu thang
Số bậc của cầu thang phải được tính theo chu trình Sinh Lão Bệnh Tử. Nếu số bậc mà rơi vào Sinh hoặc Lão là tốt. Rơi vào Bệnh hoặc Tử là không tốt. Thông thường cầu thang nên được đảm bảo để mỗi vế thang (đi từ tầng dưới lên tầng trên) sẽ có khoảng 21 bậc, là rơi vào số Sinh:
Lưu ý, bậc cuối cùng (bậc 21) chính là bằng với sàn của tầng 2.