Nói đến Hoàng tuyền là nói đến 1 phương vị gần như bất khả xâm phạm trong phong thủy. Bởi các phương xấu như Thái tuế, Ngũ hành sát, Tam sát thì chỉ theo năm. Còn Hoàng tuyền là phương vị cố định. Khi nhà, mộ mà xác định hướng nào đó là đã có vài phương hướng không thể phạm, gọi là phương Hoàng tuyền. “Phạm” được hiểu là có thể phải tránh dẫn nước đến (Thủy lai), tránh nước đi (Thủy khứ). Thậm chí tránh trổ cửa, hay phương vị động thổ.
Hoàng Tuyền trong phong thủy bị phạm là đại hung, đại họa. Đặc biệt, khi phương vị Hoàng tuyền có nước chảy thẳng, nhanh, trực cấp, gặp các vật nhọn như nóc nhà, góc tường, điện cao áp xung xạ, hoặc gặp sao Thái tuế, Ngũ hoàng bay đến đều là nguyên nhân gây nên những tai họa khôn lường. Nhà ở bị phạm Hoàng tuyền, phần lớn đều gây ảnh hưởng trực tiếp đến mệnh nam trong nhà, nhất là nam giới thời kỳ trẻ tuổi và trung niên.
Có hai loại Hoàng tuyền như sau:
Tứ lộ hoàng tuyền
Tứ lộ hoàng tuyền dùng để xác định phương Thủy lai, Thủy khứ.
Canh , Đinh KHÔN thượng thị HOÀNG TUYỀN
Ất , Bính tu phòng TỐN thủy tiên
Giáp , Quý hướng trung ưu kiến CẤN
Tân , Nhâm thủy lộ phạ đương KIỀN (CÀN).
Giải nghĩa: dựa theo sơn hướng của nhà ta có:
- CANH hướng mà thấy ở phương KHÔN có nước nên chảy đến, chảy đi là phạm.
- ĐINH hướng mà làm nhà thì nước phương KHÔN nên chảy đi, chảy đến là phạm.
- ẤT hướng thì phương TỐN nước nên chảy đi, chảy lại là phạm.
- BÍNH hướng thì nước phương TỐN nên chảy chầu lại, chảy đi là phạm.
- GIÁP hướng thì nước phương CẤN nên chảy lại , nếu chảy đi là phạm.
- QUÝ hướng thì nước phương CẤN nên chảy đi, nếu chảy lại là phạm.
- TÂN hướng thì nước ở CÀN nên chảy đi , nếu chảy đến là phạm.
- NHÂM hướng thì nước ở CÀN nên chảy đến , chảy đi là phạm.
Bát sát hoàng tuyền
Bát Sát còn được gọi là Bát Diệu Sát hay là Tọa Sơn Bát Sát, được sử dụng để lập hướng, khai môn.
Ta có bài quyết Bát Diệu hay Bát Sát tổng hợp như sau:
Khảm Long (Thìn), Khôn Thố (Mão), Chấn sơn Hầu (Thân)
Tốn Kê (Dậu), Kiền Mã (Ngọ), Đoài Xà (Tỵ) đầu
Cấn Hổ (Dần), Ly Trư (Hợi), vi Sát Diệu
Phạm chi Trạch Mộ, nhất tề hưu.
Dịch nghĩa:
- Nhà TỌA (mặt sau nhà) KHẢM thì ở phương THÌN (Long là Rồng, là cung Thìn) không nên trổ Cửa, đào Giếng, kỵ thấy lạch nước.
- Nhà TỌA KHÔN thì ở phương MẸO là kỵ.
- Nhà TỌA CHẤN thì ở phương THÂN là kỵ.
- Nhà TỌA TỐN thì ở phương DẬU là kỵ.
- Nhà TỌA KIỀN thì ở phương NGỌ là kỵ.
- Nhà TỌA ĐOÀI thì ở phương TỊ là kỵ.
- Nhà TỌA CẤN thì ở phương DẦN là kỵ.
- Nhà TỌA LY thì ở phương HỢI là kỵ.
Và ngược lại cũng vậy. Tức là nhà tọa THÌN thì kỵ phương KHẢM…