Lạc thư, cùng với Hà đồ, Bát quái là ba họa đồ có từ thời xa xưa, xuất phát từ các khu vực phía nam sông Dương Tử. Mỗi họa đồ được sử dụng vào một mục đích khác nhau. Ở bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào Lạc thư.

Lạc thư là gì

Lạc thư là truyền thuyết nói về con rùa thần xuất hiện ở sông Lạc Thủy của Trung Quốc, trên lưng của con rùa thần có quyển sách (THƯ) và người ta gọi là sách của Trời ban cho nhà vua các phép tắc cơ bản và nền nếp để cai trị thiên hạ cho đúng ý muốn của “Trời”. Hình vẽ trên lưng rùa như sau:

Thời đại của Lạc thư sau Hà đồ hơn ngàn năm. Giai đoạn đó ở Trung Quốc xuất hiện nạn Đại Hồng Thủy kéo dài hơn 9 năm. Trong số các viên quan đi cai trị thủy, có người tên là Đại Vũ. Trên sông Lạc Thủy, ông thấy rùa thần (Thần quy) nổi lên. Trên lưng rùa có những hình được sắp xếp theo 1 trật tự nhất định. Người thời đó gọi các hình này là sách của Trời ban cho nhà vua. Sau này các học giả gọi nó là trời ban cho “HỒNG PHẠM CỬU TRÙ”. Tức là ban cho 9 nguyên tắc khuôn phép mẫu mực để thiết lập nền quân chủ phong kiến ở xã hội Trung Quốc cổ đại.

Chúng ta để ý số lượng các dấu chấm trong Lạc Thư này. Do thời này chưa khai sinh ra chữ viết nên phải dùng dấu chấm để biểu thị. Nếu thay thế thành các con số thì ta được một ma trận 3×3 như sau:

Sách xưa đã tổng kết thành khẩu quyết: đội 9 đạp 1, trái 3 phải 7, 2, 4 là vai, 6, 8 là chân, số 5 ở giữa.

Phân tích cấu trúc của đồ hình Lạc thư

Đồ hình Lạc thư bao gồm 9 cung (cửu cung), với các số từ 1 đến 9. Các hàng ngang, dọc, chéo đều có tổng của 3 số là 15. Trong toán học đây gọi là ma trận kỳ ảo bậc 3 (hay ma phương bậc 3).

Lạc thư và sơ đồ Hậu Thiên Bát Quái

Nét chính của bát quái Lạc thư là quẻ Ly ở chính Nam, quẻ Khảm ở chính Bắc, quẻ Chấn ở chính Đông, quẻ Đoài ở chính Tây. Đây là 4 vị trí tứ chính của Trời đất:

Khảm Ly là trục bắc nam. Chấn Đoài là trục đông tây. Trục bắc nam là nơi giao tiếp của trời đất, trục đông tây là nơi ra vào của mặt trời và mặt trăng.

Tốn phụ chấn để sinh xuất. Càn Khôn phụ giúp để Đoài hoàn thành công việc sinh thành của Trời đất. 4 vị trí Càn, Tốn, Khôn, Cấn chiếm 4 phương phụ. Và là nơi có chung một ngũ hành là hành Thổ, là nơi mà dịch lý nói rằng đất mộ khố. Nghĩa là nơi các khí ngũ hành chuyển hóa cho nhau theo từng mùa và cuối cùng tàng ẩn trong lòng đất.

Sự khác biệt giữa Lạc thư với Hà đồ

Có thể thấy tổng các số của Lạc thư là 45, trong khi ở Hà đồ là 55. Đây là 1 sự khác nhau rất lớn giữa hai truyền thuyết. Do sự khác nhau này mà vị trí bát quái ở Lạc thư phân bố khác với Hà đồ. Điều này gây tranh cải suốt hơn hai ngàn năm sau đó. Nhưng cuối cùng họ đều phải chấp nhận rằng trời đất và vạn vật đều không ngừng vận động để tồn tại và phát triển. Sự vận động của vũ trụ và vạn vật phải tuân theo hai quy luật của Hà đồ và Lạc thư.

Hà đồ miêu tả vũ trụ ở giai đoạn mới hình thành. Lạc thư miêu tả sự vận động của muôn vật muôn loài sau khi vũ trụ đã hình thành. Đó là hai quá trình SINH và THÀNH của vũ trụ vạn hữu. Và sau này các nhà dịch lý nói rằng: Trời làm cho sinh mà đất thì làm cho thành.

Hà đồ và Lạc thư

Hà Đồ sinh ra Tiên Thiên Bát Quái, đi theo chiều thuận. Nghĩa là thuận với chiều kim đồng hồ, Âm Dương không bao giờ chống đối lẫn nhau.

Lạc Thư sinh ra Hậu Thiên Bát Quái, đi theo chiều nghịch. Nghĩa là ngược chiều kim đồng hồ, lấy mâu thuẫn, ghen ghét kiềm chế nhau làm cơ bản.

Hà đồ Lạc thư
Hình thái Tròn Vuông
Dịch học Thể Dụng
Quá trình Sinh Thành
Trạng thái Chủ thường Chủ biến
Mô hình Tụ họp Phân rã
Chiều xoay Thuận kim đồng hồ Nghịch kim đồng hồ

Như vậy, có thể nói, Hà đồ và Lạc thư, tuy hai mà một. Chúng khác nhau nhưng có sự liên hệ, gắn bó rất chặt chẽ.

Mô hình chữ Vạn trong Lạc thư

Từ sơ đồ cửu cung, lấy 5 làm trung tâm rồi nối các cặp số sinh thành như Hà Đồ chỉ ra (1-6), (2-7), (3-8), (4-9). Sau đó nối với trung tâm ở giữa sẽ được đồ hình như sau:

Đây chính là phù hiệu chữ Vạn (卍), một biểu tượng của Phật giáo. Nó cũng là biểu tượng cho pháp luân xa (bánh xe pháp luân).