La kinh là một dụng cụ không thể thiếu với mỗi người thực hành phong thủy. Nó vừa là công cụ để đo hướng, vừa là công cụ để tra cứu phong thủy trực tiếp thay cho các bảng biểu, sách vở.
La kinh là gì
Người học địa lý, không thể không biết đến la kinh và cách sử dụng. La kinh là một sáng tạo tuyệt vời của cổ nhân, nó chứa đựng những kiến thức rất tinh tuý được chắt lọc từ những kiến thức phong thuỷ thâm sâu. Đúng với câu “Ngôn ngôn vạn chữ, tóm lại chỉ ở một câu”. La kinh thật là lợi hại.
Hiện nay, la kinh cũng có nhiều loại khác nhau, như Tưởng bàn, Huy bàn, … Mỗi loại tuy có khác nhau theo kiến thức từng nhà, nhưng tựu chung vẫn trên cơ sở lý thuyết chung về phong thuỷ đã được chấp nhận và ứng dụng qua thực tiễn.
Trước La Kinh có La bàn. La bàn được phát minh từ rất lâu đời ở Hồng Kông, và hoạt động nhờ sự định vị của từ trường trái đất luôn theo phương Nam Bắc. La Kinh (hay còn gọi là La bàn phong thủy) chính là sự kết hợp của La Bàn kèm theo các cung số trong Phong Thuỷ và Bát Quái.
Xem thêm bài viết về la kinh trên Wikipedia
Công dụng của la kinh
Có 2 công dụng chủ yếu:
- Đo hướng như một cái la bàn: vì vốn dĩ nó được tích hợp một la bàn vào giữa.
- Dùng để tra cứu phong thủy dựa theo các thông tin được ghi trên đĩa (gọi là các tầng).
Với công dụng đo hướng, thì thực ra có thể chỉ cần một chiếc la bàn thông thường là cũng đo hướng được rồi. Tuy nhiên, la kinh được chế tạo cẩn thận và tỉ mỉ hơn. Đồng thời được tích hợp thêm các phụ kiện hỗ trợ như thước thủy tĩnh, dây thiên tâm thập đạo… Nên với công dụng đo hướng, nó thường chính xác hơn la bàn thông thường.
Với công dụng tra cứu phong thủy, thì cần phải học cách sử dụng mới có thể dùng được. Có thể tham khảo Khóa học Sử dụng la kinh của chúng tôi tại đây.
Hình dạng la kinh
Nó thường có hình vuông ở bên ngoài và vòng tròn bên trong. Đây là tượng trưng cho quan niệm trời tròn đất vuông. Cũng có một số loại có hình tròn, nhưng hiếm gặp hơn.
Đa phần thì sẽ có dạng hình vuông mặt tròn như dưới đây:
Cấu tạo La Kinh
Phần đế (hình vuông xung quanh)
- Đế La Kinh thường được làm bằng gỗ, nhựa hoặc mi ca.
- Tùy theo số tầng của La Kinh mà phần đế sẽ có kích thước to nhỏ khác nhau. Thông thường với loại 18 tầng thì đế rộng khoảng 25cm mỗi chiều.
- Với đế gỗ thì có các gờ vát chéo giúp cầm chắc hơn.
- Ở 4 phía của đế có đục lỗ để luồn dây qua. Hai đường dây căng vuông góc với nhau qua tâm gọi là đường Thiên tâm thập đạo. Đây là các dây giúp căn thẳng hướng khi đo.
- Phần đế cũng thường cũng được tích hợp kèm 1 hoặc 2 thước thủy tĩnh (lọ nhỏ màu xanh có giọt nước). Thước này giúp căn chỉnh cho phương đo luôn thẳng ngang so với mặt đất, giúp việc đo hướng được chính xác nhất.
Phần địa bàn (ở giữa)
- Là phần cố định chính giữa La Kinh để định vị phương hướng.
- Địa bàn còn có tên gọi khác là Ao Thiên Trì.
- Trong Ao Thiên Trì có: Vòng thiên trì và Kim thiên trì.
- Kim thiên trì là loại kim chỉ nam có từ tính, dùng để đo hướng tương tự như la bàn.
- Vòng thiên trì rộng 1 thốn 2 phân, ứng với 12 tháng trong năm, sâu 3 phân ứng với 30 ngày trong tháng. Xung quanh vòng thiên trì với vòng độ số giản lược, khớp với vòng độ số ở vành ngoài cùng của La kinh
Phần thiên bàn (mặt xoay)
- Bao gồm các tầng khác nhau, mỗi tầng xác định một yếu tố trong Phong Thủy như Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên Bát Quái, Ngũ Hành, 24 Sơn Hướng, Thấu Long,…
- Thiên Bàn có thể in khắc trên kim loại hoặc in trên bìa, giấy.
- Phần này có thể xoay được, gồm loại 1 tầng xoay và 2 tầng xoay.
- Vành độ xung quanh có chia cách vạch độ từ 0 đến 360, dùng để đo độ số của hướng nhà.
Phân loại la kinh
Thường có các loại 12 tầng, 18 tầng, 24 tầng, 30 tầng,… Càng nhiều tầng thì kích thước sẽ càng lớn. Trong đó loại 18 tầng là loại phổ dụng nhất. Kích thước của nó cũng không quá to, vừa tay cầm.
Bảo quản la kinh
- Khi không dùng cần úp mặt xuống.
- Thường xuyên cho vào trong bao để tránh ánh sáng làm hư hại.
- Cần bảo dưỡng định kỳ tránh sai lệch độ hướng.
- Lưu ý bảo quản ở nhiệt độ và độ ẩm phù hợp tránh co ngót và giãn nở mặt kim loại. Nếu nhà có tủ chống ẩm thì nên cho vào trong. Ngoài ra phải để ở nơi thoáng mát, không quá lạnh cũng không quá nóng.
- Tránh xa vật kim loại hoặc có từ tính có thể gây ảnh hưởng đến kim thiên trì.
- Không dùng hóa chất, thuốc tẩy rửa để lau mặt la kinh mà chỉ dùng vải mềm lau nhẹ.