Ở bài trước, chúng ta đã nghiên cứu về các phái trong phong thủy. Toàn các phái nghe tên “dữ” không: Bát Trạch, Huyền Không, Tam Hợp, Mệnh Lý…
Chắc có bạn sẽ hỏi tôi, học xong khóa học phong thủy online này, bạn có thể thành thạo tất cả các phái đó không?
[author]
Thì tôi cũng thưa thật với bạn. Khi nào bạn làm Boss được tất cả các phái Võ Đang, Nga Mi, Thiếu Lâm,… thậm chí cả Nam Huỳnh Đạo, thì khi đó bạn mới có thể thông thạo tất cả các phái phong thủy.
Thực sự, mỗi phái phong thủy là một mảng nghiên cứu rất sâu, rất rộng. Hơn 10 năm nghiên cứu phong thủy của tôi, công bằng mà nói, tôi vẫn chưa đến đích của phái phổ biến nhất là Bát Trạch. Mỗi ngày, khi tôi đọc một cuốn sách, xem một bài viết trên mạng, hay ngồi suy ngẫm, tôi lại nghiệm ra một điều mới. Mỗi khi đó, điều đầu tiên tôi làm là mở sổ ra ghi lại, rồi đối chứng với các vấn đề đã đọc trong sách vở… Cứ thế, tôi lại khám phá ra một cái mới.
Trong khuôn khổ sê-ri bài viết Học phong thủy dễ như ăn mì này, tôi chỉ hứa có thể đi sâu với các bạn hai phái chính là Bát Trạch và Huyền Không. Các phái còn lại có lẽ chỉ trên tinh thần giới thiệu, học những nội dung cơ bản nhất thôi.
Đỉnh núi đầu tiên phải vượt qua: Bát Trạch
Nhân tiện, không hiểu các bạn có thích leo núi không. Tôi là người rất thích leo núi. Và để leo núi được tốt, được an toàn, thì chúng ta phải chuẩn bị tinh thần tốt, có đủ hành trang dụng cụ cần thiết.
Bạn đã có tinh thần tốt chưa? Nếu chưa, hãy dừng lại tại đây, nghỉ ngơi, và quay lại vào ngày mai nhé… Học phong thủy không vội vàng được, chúng ta nên học mỗi ngày một ít thôi, để kiến thức có thể thấm dần, thấm dần.
Nếu bạn đã có tinh thần tốt rồi, thì chúng ta phải chuẩn bị hành trang và rèn luyện sức khỏe cho việc leo núi.
Hành trang cho việc nghiên cứu phái Bát Trạch chính là một loạt những kiến thức cơ bản, nền tảng… của hàng loạt khái niệm sẽ được sử dụng rất nhiều sau này.
Bạn sẽ phải học chúng.
Bạn sẽ phải hiểu chúng.
Hãy bình tĩnh và cố gắng, vì chúng không thực sự dễ hiểu.
Chúng ta bắt đầu kiến thức đầu tiên:
Vô Cực
Vô Cực là một trạng thái rỗng, trống không, không có gì. Trong ngành phong thủy, người ta dùng chữ Vô Cực. Còn trong khoa học phương Tây, người ta coi trạng thái Vô Cực tựa như khi vũ trụ chưa hình thành, mọi thứ trống rỗng.
Biểu tượng của Vô Cực là một vòng tròn rỗng.
Thái Cực
Thái Cực là trạng thái sinh ra từ Vô Cực. Có Vô Cực (Hư vô) thì sẽ có Thái Cực (hữu hình). Thái Cực là trạng thái đã có vật chất. Trong khoa học phương Tây, Thái Cực là thời điểm sau khi vụ trũ mới hình thành (sau vụ nổ lớn Big Bang).
Trong võ học, có môn Thái Cực Đạo (Trương Tam Phong sáng lập ra) dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu về Thái Cực
Chà, khái niệm mơ hồ phức tạp quá. Giải trí tí đã, nhân nói đến Trương Tam Phong, lại nhớ anh Trương Vệ Kiện. Trong các sao Hoa ngữ, phải nói mình rất thích anh Trương Vệ Kiện, đặc biệt trong phim anh ý đóng vai Trương Tam Phong. Nhớ mãi màn anh ý đánh với đối thủ, chân giữ nguyên thế tấn một chỗ, người có thể đảo lắc xung quanh, miệng hô “Thái Cực”. Nếu bạn chưa xem thì lúc nào rảnh xem thử coi.
Nói vui vậy thôi, thực ra bất kỳ khái niệm nào trong Phong Thủy, cũng như các môn khoa học phương Đông khác, đều được phản ánh rất nhiều qua phim ảnh, sách vở. Nên để học phong thủy cho tốt, chúng ta cũng nên tích lũy thêm các kiến thức từ các nguồn khác để bổ sung vào nữa.
Lưỡng Nghi
Lưỡng Nghi (bao gồm 2 thực thể Âm và Dương):
- Âm tượng trưng cho những gì tối, lạnh, trũng thấp, màn đêm, mặt trăng, mùa đông, màu đen.
- Dương thì ngược lại, tượng trưng cho những gì sáng, nóng, vùng nổi cao, ban ngày, mặt trời, mùa hạ, màu trắng, màu đỏ.
Hai khái niệm Âm Dương không thể tách rời nhau. Và phải luôn cân bằng với nhau. Âm thịnh Dương suy hay Dương thịnh Âm suy đều là không tốt.
Nói nôm na cho dễ hiểu thể này, Vô Cực là bà ngoại, đẻ ra Thái Cực, Thái Cực lại đẻ ra hai đứa con là Âm và Dương. Giờ có mỗi một cái nhà, cho thằng Âm thì thằng Dương tị, cho thằng Dương thì thằng Âm tị. Như thế là Âm Dương không cân bằng, không tốt. Thế là bà Thái Cực phải bán cái nhà đi, lấy tiền chia làm đôi cho mỗi thằng Âm Dương một nửa. Thế là Âm Dương cân bằng hòa hợp, gia đình vui vẻ, không tranh cãi.
Giải lao chút đi đã bạn, đừng quá tập trung căng thẳng. Học phong thủy nên giữ một cái tâm thanh thản, nhẹ nhàng. Để tiếp thu kiến thức được tốt. Mệt thì nên nghỉ, hôm sau học tiếp. Những khái niệm phức tạp thế này mà học dồn dập thì không thể tiếp thu nhanh được đâu.
Nếu thấy ổn rồi thì chúng ta tiếp tục nhé:
Tứ Tượng
Tứ Tượng là khái niệm tiếp tục sinh ra từ Âm Dương.
Tứ Tượng bao gồm:
- Thái Âm (cái Âm lớn)
- Thiếu Âm (cái Âm nhỏ)
- Thái Dương (cái Dương lớn)
- Thiếu Dương (cái Dương nhỏ)
Nhìn trên hình, ta có thể thấy, phần màu đen là Âm, phần màu trắng là Dương, hai nửa đen trắng lớn gọi là Thái Âm và Thái Dương. Trong Thái Âm (phần màu đen) lại có một hình tròn trắng (ấy là Thiếu Dương). Và trong Thái Dương (phần màu trắng) lại có một vòng tròn đen, tượng trưng cho Thiếu Âm.
Như vậy, ta có thể thấy:
“Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm”
Điều này nói lên rằng, Âm Dương không chỉ cân bằng, mà bản thân trong mỗi phần của chúng cũng không đồng nhất, trong cái Âm lại có cái Dương, và ngược lại. Cũng như con người, không có ai là toàn diện xấu, không có ai là toàn diện tốt. Thánh thần cũng có thể có suy nghĩ xấu. Kẻ tử tù cũng có suy nghĩ tốt.
Bài học này tạm dừng ở đây đã nhỉ. Phần Bát Quái khá phức tạp và tôi sẽ để dành nó cho bài thứ tư của chương trình.
Thân chào các bạn,
[author]