Can chi là một khái niệm chúng ta từng gặp rất nhiều trong cuộc sống… Nhưng lại chưa thực sự hiểu rõ về nó.

Hi, xin chào các bạn, chúng ta lại gặp nhau trong bài tiếp theo của chương trình. Đây là bài học thứ năm trong sê-ri học phong thủy miễn phí “Học phong thủy dễ như ăn mì“.

[author]

Ở bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm Can Chi. Và cách tính nhẩm can chi cho năm sinh siêu nhanh, bí truyền của riêng Phong Thủy VIETAA. Nào bắt đầu thôi…

Can Chi là gì?

Can là Thiên Can (Heaven Stem). Chi là Địa Chi (Earth Branch). Đây là hai khái niệm dùng để đặt tên cho các đơn vị tính thời gian của phong thủy. Đơn vị tính thời gian phổ biến gồm:

Mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi giờ đều có một tên gọi riêng. Tên gọi đó được ghép từ một cặp Can Chi.

Bạn có thể đọc thêm bài viết nói về thiên can địa chi trên Wikipedia

Can, hay Thiên Can

Bao gồm 10 loại. Các dấu (+) cho thấy Can thuộc Dương, và ngược lại, dấu (-) thuộc Âm.

  1. Giáp (+)
  2. Ất (-)
  3. Bính (+)
  4. Đinh (-)
  5. Mậu (+)
  6. Kỷ (-)
  7. Canh (+)
  8. Tân (-)
  9. Nhâm (+)
  10. Quý (-)

Chi, hay Địa Chi

Bao gồm 12 loại. Các dấu (+) cho thấy Chi thuộc Dương, và ngược lại, dấu (-) thuộc Âm.

  1. Tí (con chuột) (+)
  2. Sửu (con trâu) (-)
  3. Dần (con hổ) (+)
  4. Mão (con mèo – hay con thỏ theo quan niệm Trung Quốc) (-)
  5. Thìn (con rồng) (+)
  6. Tị (con rắn) (-)
  7. Ngọ (con ngựa) (+)
  8. Mùi (con dê) (-)
  9. Thân (con khỉ) (+)
  10. Dậu (con gà) (-)
  11. Tuất (con chó) (+)
  12. Hợi (con lợn) (-)
12 địa chi
12 địa chi

 

Ghép Thiên Can với Địa Chi

Các Thiên Can luôn đứng trước, ghép cặp với một Địa Chi, tạo thành 60 cặp Can Chi, gọi là một vòng Lục Thập Hoa Giáp.

Một vòng này luôn khởi đầu từ Giáp Tí, đến Ất Sửu,… kết thúc ở Quý Hợi, trước khi quay lại Giáp Tí và bắt đầu một vòng tiếp theo.

Theo quy luật ghép cặp, chỉ có các Thiên Can thuộc Dương mới ghép với Địa Chi thuộc Dương, và ngược lại, Thiên Can thuộc Âm ghép cặp với Địa Chi thuộc Âm. Không có trường hợp Dương ghép với Âm.

Trong các cặp can chi chỉ Năm, Tháng, Ngày, Giờ, thì cặp chỉ Năm là quan trọng nhất. Nó được ứng dụng rất nhiều không chỉ trong phong thủy mà còn ở các khoa Tử Vi, Tứ Trụ, Bát Tự, Kỳ Môn… nữa.

Ví dụ, ta thường thấy người ta nói, nạn đói năm Ất Dậu, thì Ất Dậu chính là tên Can Chi của năm 1945.

Những người sinh năm 1982 (như tôi) thì người ta bảo đó là tuổi Nhâm Tuất, vì Nhâm Tuất chính là tên Can Chi của năm 1982.

 

Mẹo tính nhanh Can Chi năm bí truyền của Phong Thủy VIETAA

Thông thường để tính tên Can Chi của một năm bất kỳ, người ta phải tra bảng, hoặc sử dụng phần mềm. Rất mất thời gian và không tiện lợi. Vì không phải ở đâu, vào lúc nào chúng ta cũng có sẵn bảng tra và phần mềm hỗ trợ.

Nên nếu chúng ta sử dụng phương pháp đặc biệt sau thì có thể dễ dàng biết được tên Can Chi của một năm bất kỳ.

Đầu tiên, ta phải nhớ hình bàn tay như sau:

Bàn tay Can Chi - Mẹo tính nhẩm nhanh
Bàn tay Can Chi – Mẹo tính nhẩm nhanh

Bàn tay thứ nhất phân bố 10 Thiên Can theo thứ tự lần lượt theo chiều kim đồng hồ, khởi Giáp ở đầu ngón cái.

Bàn tay thứ hai phân bố 12 Địa Chi theo thứ tự lần lượt theo chiều kim đồng hồ, khởi Tí ở chân ngón áp út (ngón đeo nhẫn).

Cả hai bàn tay đều tính theo tay trái của chúng ta, không phân biệt giới tính.

Để tính Thiên Can của một năm bất kỳ, ví dụ 1982, ta lấy số cuối là 2. Khởi 0 từ vị trí Canh, là chân của ngón áp út. Đếm: 0=Canh, 1=Tân, 2=Nhâm. Dừng lại. Có Thiên Can năm 1982 là Nhâm.

Để tính Địa Chi năm 1982, ta lấy 2 số cuối là 82. Khởi 0 từ Tí, bắt đầu đếm từ hàng chục: 0=Tí, 10=Sửu, 20=Dần, 30=Mão, 40=Thìn, 50=Tị, 60=Ngọ, 70=Mùi, 80=Thân. Dừng. Tiếp tục đếm nốt các số ở hàng đơn vị. Đếm: 81=Dậu, 82=Tuất. Dừng. Như vậy Địa Chi của năm 1982 là Tuất.

Ghép lại, ta được năm 1982 là: Nhâm Tuất.

Các bạn có thể dựa vào cách tính ở trên để thử nghiệm với các trường hợp năm khác.

Bài học của chúng ta tạm dừng ở đây. Mọi thắc mắc, ý kiến, phản hồi vui lòng để lại comment bình luận bên dưới bài viết. Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau trong bài tiếp theo của chương trình.

[author]