Trong Dự đoán Hà Lạc, đây là một vấn đề rất quan trọng, đồng thời cũng cực kỳ phong phú và phức tạp. Cùng một quẻ và hào, cho kết quả dự đoán rất khác nhau đối với người có Mệnh hợp cách và người có Mệnh không hợp cách. Quẻ và Hào rất tốt, đối với người Mệnh không hợp cách đôi khi trở nên đầy hiểm họa. Ngược lại, những hào xấu, quẻ xấu đối với người Mệnh không hợp cách thì lại hóa hay.
Mệnh hợp cách là gì?
Mệnh có thể hiểu là Ngôi nhà cuộc đời. Sống động hơn có thể hiểu là Đường đi Nước bước của một Con Người hình thành từ khi Con người ra đời. Trong Toán Hà Lạc thì Mệnh chính là Cấu trúc Hà Lạc (mà ta vừa vạch ra).
Cách, nằm trong cụm từ Quy Cách, là những thể thức hợp lý, hợp lẽ, những thể thức có tính quy luật.
Vậy Mệnh hợp cách là Mệnh, hoặc Cấu trúc Mệnh, hợp với quy luật thuận hành của Trời Đất.
Tiêu chuẩn của Mệnh hợp cách
Người xưa đặt ra 10 tiêu chuẩn cho Mệnh hợp cách là:
- Tên quẻ tốt.
- Vị trí hào Nguyên đường tốt.
- Lời hào Nguyên đường tốt.
- Được mùa sinh (Lấy quẻ Nguyệt lệnh làm chuẩn).
- Nguyên đường có yểm trợ.
- Trị số Âm, Dương hợp mùa sinh.
- Hành của Mệnh gặp được các quẻ tương ứng thuận lợi.
- Hào Nguyên đường ngồi vị trí hợp lý (còn gọi là Đáng vị).
- Can năm sinh gặp quẻ, gặp mùa hợp lý.
- Gặp được quẻ “Có quần chúng theo”.
Trong 10 tiêu chuẩn trên, đạt được ba đến bốn tiêu chuẩn đã là quý lắm. Người xưa tổng kết đánh giá mức độ Mệnh hợp cách bằng địa vị xã hội. Người đạt 9-10 tiêu chuẩn có thể làm đến chức khanh tướng trong triều đình.
Mệnh không hợp cách là gì?
Ngược lại với Mệnh hợp cách là Mệnh không hợp cách. Hiểu đơn giản, Mệnh không hợp cách là Mệnh không hợp với quy luật thuận hành của trời đất.
Tiêu chuẩn của Mệnh không hợp cách
Đi đôi với 10 tiêu chuẩn hợp cách, người xưa cũng nêu lên 10 điểm không hợp cách:
- Tên quẻ xấu.
- Vị trí hào Nguyên đường xấu.
- Lời hào Nguyên đường xấu.
- Không được mùa sinh (Lấy quẻ Nguyệt lệnh làm chuẩn)
- Nguyên đường không được yểm trợ.
- Trị số Âm, Dương không hợp mùa sinh.
- Hành của Mệnh không gặp được các quẻ tương ứng thuận lợi.
- Hào Nguyên đường ngồi vị trí không hợp lý.
- Can Năm sinh gặp quẻ, gặp mùa không hợp lý.
- Gặp phải quẻ “Bị quần chúng ghét”.
Không nên hiểu: “Mệnh không hợp cách là ngoài những gì hợp cách, còn lại là không hợp cách”. Không hoàn toàn như thế. Có những Mệnh không hợp cách ở mức độ nghiêm trọng, ví dụ: sinh mùa hè mà trị số Dương ở dưới 8. Lại có Mệnh không hợp cách mức độ trung bình, ví dụ gặp phải quẻ có tên không tốt, nhưng cũng không xấu lắm. Ví dụ quẻ Vô Vọng, quẻ Tỉnh. Không có quẻ được lòng quần chúng, nhưng không rơi vào một trong những quẻ không được lòng quần chúng, thì không có nghĩa là phạm vào Mệnh không hợp cách.
Người xưa xem xét rất kỹ loại Mệnh không hợp cách và cho thấy, người phạm 3-4 cách thì làm lụng khổ sở, cuộc đời vất vả; phạm 5-6 cách thì cô độc, phạm 7-8 cách thì đi ăn xin hoặc bị chém giết, phạm cả 10 cách thì không chết non cũng nghèo hèn.
Giải thích các tiêu chuẩn đánh giá Mệnh hợp hay không hợp
Dưới đây giải thích từng tiêu chuẩn:
1- Tên quẻ tốt
Ví dụ các quẻ có tên tốt: Càn, Khôn, Hàm, Hằng, Thái, Đại Hữu… Các quẻ có tên xấu: Truân, Khốn, Khuê (Khuê là chia lìa), Bác… Cần biết rằng, có quẻ rất xấu, tên càng xấu, như quẻ Độn (Độn là ẩn, trốn), quẻ Bác (Bác là Tan mất), nhưng sinh tháng 6 được quẻ Độn, sinh tháng 9 được quẻ Bác, thì lại là tín hiệu đẹp, vì đó là những quẻ Nguyệt lệnh (xem dưới đây, giới thiệu tiêu chuẩn 4). Ngày xưa đã có người được quẻ Tiên thiên là Bác, mà làm quan to trong triều đình. Quẻ Bác là quẻ thời âm thịnh, nên đối với mệnh Nữ thì quẻ Bác chưa hẳn đã xấu. Cho nên, tên quẻ cũng chỉ là một tiêu chí để xem xét mà thôi.
2- Vị trí hào Nguyên đường tốt
Đọc lại bài viết trước, sẽ thấy Nguyên đường rơi vào những hào 2, 5 là những vị trí tốt. Nguyên đường ở hào 1, 4 là trung bình, ở hào 3, 6 thì phải coi chừng. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ. Có quẻ hào 6 lại là hào tốt, ví dụ hào 6 quẻ Cổ, quẻ Tỉnh là hào tốt, Nguyên đường rơi vào hào này là được vị trí tốt. Cần xem lời hào, rồi hãy phán xét vị trí hào tốt xấu.
3- Lời hào Nguyên Đường tốt
Ví dụ, quẻ Địa Phong Thăng người có Nguyên đường ở hào 1, vị trí chưa phải là đẹp, nhưng lời hào rất đẹp: Thuận đi lên, rất tốt! (Doãn thăng, đại cát).
4- Được quẻ hợp mùa sinh (Lấy quẻ Nguyệt lệnh làm chuẩn)
Nếu có tiết lệnh dành cho Tháng, thì cũng có Nguyệt lệnh dành cho Quẻ. Nguyệt lệnh là sự “chỉ định” của Trời Đất, sinh tháng nào thì nên được quẻ nào, sẽ là hợp mùa sinh, mang lại nhiều tốt lành, dù quẻ ấy là quẻ xấu. (Ví dụ, quẻ Bác là quẻ xấu, nhưng người sinh tháng 9 được quẻ Bác thì rất tốt, đó là tượng những bà quả phụ làm ăn giàu có, đó cũng là quẻ của người “gái góa lo việc triều đình”). Quẻ Nguyệt lệnh cũng là tiêu chí để xem xét Trị số Âm, Dương có hợp mùa sinh hay không.
Bảng 12 Nguyệt lệnh
Bảng sau đây trình bày 12 Nguyệt lệnh bắt đầu từ tháng 11 hàng năm để bạn đọc dễ nhận xét xu thế sinh trưởng của số Âm, Dương (theo luật “Âm tiêu Dương trưởng, Dương tiêu Âm trưởng”).
Tháng sinh……Chi tháng……..Quẻ hợp mùa sinh
Tháng 11: ………Tý ………..Địa Lôi Phục (1 0 0 0 0 0)
Tháng 12: ………Sửu ….…..Địa Trạch Lâm (1 1 0 0 0 0)
Tháng 01: ………Dần…..…..Địa Thiên Thái (1 1 1 0 0 0)
Tháng 02: ………Mão.……..Lôi Thiên Đại Tráng (1 1 1 1 0 0)
Tháng 03: ………Thìn.……..Trạch Thiên Quải (1 1 1 1 1 0)
Tháng 04: ………Tỵ………..Thuần Càn (1 1 1 1 1 1)
Tháng 05: ………Ngọ….…..Thiên Phong Cấu (0 1 1 1 1 1)
Tháng 06: ………Mùi…..…..Thiên Sơn Độn (0 0 1 1 1 1)
Tháng 07: ………Thân..……Thiên Địa Bĩ (0 0 0 1 1 1)
Tháng 08: ………Dậu.……..Phong Địa Quán (0 0 0 0 1 1)
Tháng 09: ………Tuất……..Sơn Địa Bác (0 0 0 0 0 1)
Tháng 10: ………Hợi….…..Thuần Khôn (0 0 0 0 0 0)
Quan sát bảng trên ta dễ dàng nhận thấy, bắt đầu tháng 11 hằng năm, tháng giữa Đông, xuất hiện Hào Dương đầu tiên, sau đó các hào Dương phát triển dần đến Tháng Tư năm sau là quẻ 6 hào Dương. Tháng Năm xuất hiện Hào Âm đầu tiên, đến tháng Mười là quẻ 6 Hào Âm. Đó cũng là Nguyệt lệnh để xem xét Tỷ lệ số Âm Dương theo điểm 6 dưới đây.
Chú ý: Ngoài 12 quẻ Nguyệt lệnh trên đây, tất cả các quẻ còn lại đều được sắp xếp vào từng tháng theo luật “Âm tiêu dương trưởng”, ví dụ quẻ Trạch Địa Tụy thuộc tháng 6. Trong Hà Lạc giải đoán đều có ghi quẻ nào thuộc tháng nào. Người sinh tháng Sáu được quẻ Tụy cũng được coi như hợp mùa sinh, nhưng mức độ không bằng trường hợp người sinh tháng Sáu được quẻ Độn, là quẻ Nguyệt lệnh.
5- Nguyên Đường có yểm trợ
Hào Nguyên đường là hào Thế. Cách hai hào là hào Ứng. Nguyên đường là Dương có ứng là Âm, hoặc Nguyên đường là Âm có ứng là Dương, là có yểm trợ. Thế và Ứng cùng Dương hoặc cùng Âm là không có yểm trợ. (Chú ý: Cần phân biệt Thế và Ứng của quẻ Hà Lạc với Thế và Ứng của quẻ Dịch ở hệ Hỗn Thiên. Quẻ Hà Lạc, bất kỳ hào nào cũng có thể là Thế và Ứng, tùy theo Nguyên đường hoặc hào chủ ngồi ở đâu, còn quẻ Dịch hệ Hỗn Thiên, mỗi quẻ chỉ có một hào Thế và một hào Ứng). Có Ứng là tốt, nhưng cũng tùy theo hào Ứng ở vị thế nào, tốt hay xấu, mạnh hay yếu, giúp đỡ để làm điều lành hay làm điều dữ.
- Hào 1 được hào 4 yểm trợ là tương đối tốt, vì hào 4 ở vị thế trên, mạnh hơn.
- Hào 2 được hào 5 yểm trợ là rất tốt, vì hào 5 ở vị thế cao nhất, mạnh nhất (trừ trường hợp ở một số quẻ từ chối sự yểm trợ).
- Hào 5 được hào 2 yểm trợ cũng rất tốt, khác nào thủ trưởng được chân tay trung thành giúp đỡ (hào 2 bao giờ cũng ở vị thế Trung, nếu lại Chính nữa, thì còn gì hơn).
- Hào 3 được hào 6 yểm trợ thì không ăn thua gì, vì hào 6 ở thế suy, thời mạt. Tuy vậy, hào 6 ở một số quẻ đang ở đỉnh cao của quẻ, hội tụ sức mạnh thì sự yểm trợ lại có ý nghĩa (ví dụ, hào 6 quẻ Tỉnh).
- Hào 6 được hào 3 yểm trợ thì đáng lo hơn mừng, vì hào 3 thường ở vị thế bất chính, chứa đựng những tín hiệu không lành.
Hào Đại vận nào cũng coi như hào Thế của Đại vận ấy, cần xem xét có yểm trợ hay không, và chất lượng yểm trợ như thế nào.
6- Trị số Âm Dương hợp mùa sinh
Trị số Âm Dương hợp mùa sinh (dưới đây gọi là số Âm Dương) là một tiêu chí quan trọng đối với Toán Hà Lạc, mang đầy tính dự báo. Số Âm Dương đã được sử dụng để tìm mã số quẻ, nay dùng để xem xét Mệnh hợp cách, đồng thời, bản thân nó cũng cho những dự báo tổng quát.
Ngưỡng để xem xét số Âm Dương có hợp mùa sinh hay không là hai con số 25 và 30, đã dùng làm modulo để tìm Mã số Quẻ. Số 25 là số Dương, số 30 là số Âm.
Chuẩn mực để xem xét là: Tỷ lệ hai số Âm, Dương phải hợp với mùa sinh:
- Sinh mùa Xuân hai số ấy phải ở Tỷ lệ ngang hòa, nghĩa là số Dương khoảng 25 hơn kém một ít, tùy theo quẻ Nguyệt lệnh. Số Âm khoảng 30 hơn kém một ít, tùy theo quẻ Nguyệt lệnh.
- Càng sang mùa Hạ, số Dương cao dần, số Âm thấp dần. Sinh mùa Hạ, số Dương phải cao, số Âm phải thấp.
- Theo Nguyệt lệnh, càng sang Thu, số Dương thấp dần, số Âm cao dần. Sinh mùa Thu, số Âm Dương lại ngang hòa, nhưng càng sang Đông, số Dương thấp dần, số Âm cao dần.
- Sinh mùa Đông, số Âm phải cao, số Dương phải thấp.
- Theo Nguyệt lệnh, càng sang Xuân, số Âm thấp dần, số Dương cao dần để trở về ngang hòa.
- Tháng Tư, Tháng Mười, Nguyệt lệnh thuần Dương và thuần Âm, nhưng không có nghĩa chỉ có số Dương hoặc chỉ có số Âm. Về nguyên tắc, vẫn có đầy đủ hai số Âm Dương, tất nhiên với tỷ lệ cao và thấp. Nhưng ngưỡng cao thấp cũng không nên quá, sẽ phạm vào Cô Âm, Cô Dương.
Người xưa không định được con số cụ thể cho các tỷ số Âm Dương, chỉ nêu nguyên tắc như trên để vận dụng.
Sau đây là những chỉ dẫn cụ thể hơn:
Số Dương thuận mùa sinh:
- Từ sau tiết Đông Chí đến trước Vũ Thủy (Tháng 11, 12 và đầu tháng Giêng) số Dương ít là tốt. Nhiều thì sẽ bị hình khắc, thương tổn.
- Từ sau Lập Xuân đến trước Xuân Phân (Tháng 1-2) số Dương nên vừa phải (Nguyệt lệnh là quẻ Thái). Số Dương ít thì không phấn phát lên được.
- Từ sau Thanh Minh đến trước Tiểu Mãn (Tháng 3, 4) số Dương nhiều là tốt (Nguyệt lệnh quẻ Kiền, quẻ Quải). Vừa vừa cũng được; ít nên lo.
Số Âm thuận mùa sinh:
- Từ sau Hạ Chí đến trước Xử Thử (Tháng 5, 6 và đầu tháng 7), số Dương còn nhiều. Số âm ít là tốt. Nếu Âm nhiều thì tổn hại.
- Từ sau Lập Thu đến trước Thu Phân (Tháng 7, 8) số Âm vừa là tốt. (Nguyệt lệnh quẻ Bĩ, 3 âm, 3 dương). Nếu số Âm ít thì có hại, người nhu nhược, không phấn phát.
- Từ sau Hàn Lộ đến trước Tiểu Tuyết (Tháng 9) số Âm nhiều là tốt. (Nguyệt lệnh quẻ Bác 5 hào Âm; sau đó đến quẻ Khôn 6 hào Âm).
Nếu số âm dương bằng số cơ bản
- Số Dương bằng 25: Lợi cho Nam, không lợi cho Nữ. Sinh tháng lẻ thì phú quý, sinh tháng chẵn thì nghèo nàn và khắc mẹ.
- Số Âm bằng 30: Lợi cho Nữ, không lợi cho Nam. Lợi nhưng cũng không được toàn mỹ. Sinh tháng chẵn còn mừng, sinh tháng lẻ cô đơn, khắc khổ.
Nếu số âm dương nhỏ hơn số cơ bản
- Số Dương không đủ 25: Từ 9 đến 24 là Không đủ. Sinh vào Tháng Tý (Tháng 11) Sửu (Tháng 12) thuận thời thì còn khá, nhưng cũng đáng lo. Sinh vào Tháng Dần (Tháng 1) đến Tháng Tỵ (Tháng 4) là nghịch thời thì hoàn toàn kém: khắc cha, kém phúc, kém thọ. Nếu không được Quẻ, Hào tốt, Nguyên đường có yểm trợ thì còn xấu hơn.
- Số Âm không đủ 30: Từ 18 đến 28 thì gọi là Không đủ. Sinh từ sau Hạ Chí đến Lập Thu là thuận thời thì còn khá. Sinh từ Thu phân trở đi đến trước Tiểu Tuyết thì kém Thọ, kém Phúc, không có hậu, và có thể chôn mẹ trước. Nữ sinh vào Ngày, Giờ Tý Ngọ, Mão, Dậu thì khắc Mẹ; hoặc Cha già, Mẹ là vợ bé; hoặc bản thân làm con nuôi.
Nếu số âm dương quá yếu
- Số Dương quá yếu (Cô Dương): Từ 4 đến 8 là số Dương quá yếu. Mệnh Nam thì gian nan, tân khổ. Sinh tháng chẵn còn đỡ, sinh tháng lẻ càng xấu.
- Số Âm quá yếu (Cô Âm): Từ 8 đến 12 là số Âm quá yếu. Mệnh Nữ từ nhỏ đã mồ côi hay phải xa lìa cha mẹ, nghèo nàn, khắc khổ, cô đơn.
Nếu số âm dương quá nhiều
- Số Dương quá nhiều: Từ 40 đến 60 là quá nhiều, nếu sinh vào Tháng 3, 4 (Nguyệt lệnh là quẻ Quải, Kiền, 5-6 hào Dương) thì không hại gì. Sinh mùa khác là ngược, tượng hào quá cương, có việc hối hận.
- Số Âm quá nhiều: Từ 50 đến 60 là quá nhiều, nếu sinh sau Lập Đông đến trước Đông Chí, thì không hại gì. Sinh mùa khác rất hại, dễ gặp hình thương, khốn khổ.
7- Hành của Mệnh gặp được quẻ tương ứng thuận lợi (Còn gọi là Được Thể)
Lấy Can Chi năm sinh và Nạp Âm (còn gọi là Mạng, Mệnh) đối chiếu với “Bảng Ngũ Mệnh gặp Quẻ” (Ngũ mệnh đắc quái) sau đây, nếu cái được nhiều thì thuận (Có sách gọi là Được Thể), nếu cái không được nhiều hơn, thì không thuận.
Bảng Năm Mạng gặp quẻ:
Mạng Kim
Người tuổi Canh, Tân, Thân, Dậu và Nạp âm Kim gặp:
- Kiền: Phú quý.
- Khảm: Bồng bềnh, chìm nổi.
- Cấn: Nên ẩn cư.
- Chấn: Có điều sở đắc, tốt.
- Tốn là cơn gió: Xuân Hạ mát mẻ; Thu Đông lạnh lùng.
- Ly: Nghịch chiều trong hành động.
- Khôn: Được phúc lành
- Đoài: Đắc địa, tốt.
Mạng Mộc
Người tuổi Giáp, Ất, Dần, Mão và Nạp âm Mộc, gặp:
- Kiền: Nhiều hão huyền, ít thực tế.
- Khảm: Hãm, mắc kẹt, không làm lớn được, không lâu bền được.
- Cấn: Tốt về Xuân, Hạ, bất lợi về Thu, Đông.
- Chấn: Vinh hoa.
- Tốn: Tuổi nhỏ hay bị dao động, gặp sự trắc trở, lo âu. Không tự chủ, bình tĩnh.
- Ly: Hương thơm, sắc tươi bị tổn thiệt.
- Khôn: Phải đợi thời, rồi mới phát đạt.
- Đoài: Giữa mùa Thu mới khởi sắc.
Mạng Thủy
Người tuổi Nhâm, Quý, Hợi, Tý và Nạp âm Thủy gặp:
- Kiền: Như có suối nước chảy, sẽ gặp thời cơ phát đạt.
- Khảm: Hãm, nên lúc lành lúc dữ không định trước được.
- Cấn: Có hiểm trở, khó khăn.
- Chấn: Cuộc đời như nước chảy xuôi dòng, nhưng chẳng được nhàn hạ.
- Tốn: Sóng gió bất kỳ. Về các mùa Thu, Đông có điều đáng ngại.
- Ly: Tranh đấu khắc khổ. Thành có bại có.
- Khôn: Nhu thuận, nhàn nhã.
- Đoài: Như nguồn nước chảy dồi dào. Mọi việc hanh thông.
Mạng Hỏa
Người tuổi Bính, Đinh, Tỵ, Ngọ và nạp âm Hỏa gặp:
- Kiền: Quang minh, sáng láng, nếu có hào tốt thì phi thường
- Khảm: Phản phúc, phá hoại.
- Cấn: Ích kỷ, hại nhân.
- Chấn: Như thiêu đốt, tác động không bền.
- Tốn: Như lửa gặp gió, có thừa dịp may để khởi cơ nghiệp.
- Ly: Lửa gặp lửa, mừng giận thất thường, trong ngoài không tương ứng, bên ngoài bị rình rập, trong không đề phòng.
- Khôn: Lưỡng tình, tương đắc, gặp dịp thuận lợi.
- Đoài: nghi nghi hoặc hoặc, không quyết.
Mạng Thổ
Người tuổi Mậu, Kỷ, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi và nạp âm Thổ gặp:
- Kiền: Có lành có dữ.
- Khảm: Hãm, mắc kẹt, rủi ro nhiều.
- Cấn: Những tháng Tứ quý (3, 6, 9, 12 – Thìn, Mùi, Tuất, Sửu) thì phát tài, có hậu, nhiều tốt lành.
- Chấn: Có thương tổn, chỉ ích cho người, vất vả, rơi rụng, xấu nhiều.
- Tốn: Như gió quét đất làm nổi bụi, lắm chuyện ồn ào, sôi động, vất vả.
- Ly: Nếu mất của, của lại tìm về, phúc không nhỏ.
- Khôn: Phúc lộc trùng trùng, có địa vị quan trọng ở địa phương, lên trung ương cũng làm chuyên gia.
- Đoài cũng như Kiền.
8- Hào Nguyên đường ngồi vị trí hợp lý (Còn gọi là Đáng vị)
Điểm 2 trên kia xem xét Nguyên đường ở vị trí Hào tốt hay không tốt đối với bất kỳ quẻ Dịch nào. Điểm 8 yêu cầu xem xét vị trí Nguyên đường theo 3 tiêu chuẩn:
- Sinh tháng Âm, Nguyên đường ngồi hào Âm; sinh tháng Dương, Nguyên đường ngồi hào Dương, là Đáng vị.
- Đã thống kê 19 quẻ có 21 hào Đáng vị, Nguyên đường ngồi đúng vào một trong 21 hào đó là Đáng vị.
- Đã thống kê 14 quẻ có 14 hào Không đáng vị, Nguyên đường ngồi đúng vào một trong 14 hào đó là Không đáng vị.
Bảng thống kê 21 hào Đáng vị
Thứ tự……….Tên quẻ kép……Hào Đáng vị
01…………………Cấu……………..hào 5
02…………………Bĩ……………….hào 5
03………………..Tấn………………hào 2
04………………..Tiết………………hào 5
05………………..Ký Tế……………hào 2
06………………..Lý……..…………hào 5
07………………..Tỉnh………..……hào 5
08………………..Tùy………………hào 5
09………………..Tốn………………hào 5
10………………..Gia Nhân……..…hào 4
11………………..Cổ……………..…hào 2
12………………Hoán………………hào 5
13………………Đồng Nhân……….hào 5
14………………Khôn………………hào 5
15………………Phục………………hào 1
16………………Lâm…………….…hào 4
17………………Lâm…………….…hào 5
18………………Quải………………hào 2
19………………Quải………………hào 5
20………………Kiển………………hào 5
21………………Khiêm………….…hào 2
Bảng Thống kê 14 hào không đáng vị:
Thứ tự……….Tên quẻ kép……Hào Không đáng vị
01…………………Bĩ………………….hào 3
02………………..Tấn………………..hào 4
03………………..Khuê………………hào 3
04………………..Trung Phu………hào 3
05………………..Phong…………….hào 4
06………………..Chấn……..…..….hào 3
07………………..Dự………..………hào 3
08………………..Thăng……………hào 6
09………………..Vị Tế………………hào 3
10………………..Quải…………..….hào 1
11……………….Nhu………………..hào 6
12………………Đoài…………….….hào 3
13………………Tụy…………………hào 4
14………………Tiểu Quá…………hào 4
9- Can năm sinh gặp Quẻ, gặp Mùa hợp lý
Đối chiếu với Bảng 9, thấy Thiên Can phối với quẻ nào, nếu cấu trúc Hà Lạc của chủ thể có quẻ đó là hợp lý, được quẻ khác, đối chiếu thêm với bảng Năm Hành gặp quẻ (bảng 14), lại thấy khắc nữa, là trái lý. Ví dụ Bảng 9 cho biết Tuổi Tân gặp quẻ Tốn, đối chiếu với cấu trúc Hà Lạc của chủ thể, nếu có Tốn là hợp lý. Nhưng đối chiếu thêm với bảng 14, nếu thấy trong cấu trúc Hà Lạc có thêm Khảm, thì tính hợp lý giảm, vì Khảm thì hãm, số phận bồng bềnh chìm nổi. Cũng như vậy, tuổi Giáp gặp Kiền thì tốt, nhưng Kiền Kim khắc Giáp Mộc, không tốt bằng Tuổi Nhâm gặp Kiền, vừa được phối quẻ (xem Bảng Ngũ Mệnh gặp quẻ) vừa được Kim sinh Thủy, tính hợp lý cao hơn.
10- Có quần chúng theo hay Bị quần chúng ghét
Những quẻ có 1 hào Âm hoặc 1 hào Dương là những quẻ phản ánh cuộc đời của chủ thể có quần chúng (đám đông) theo hay ghét. Đây cũng là một trong 10 tiêu chuẩn Mệnh hợp cách. Đối chiếu 2 bảng thống kê sau đây, nếu cấu trúc Hà Lạc của chủ thể có quẻ cùng tên, là có mệnh Quần chúng theo, hoặc Bị quần chúng ghét. Hào được chỉ dẫn chính là Hào chủ của Quẻ. Hào đó (ở quẻ Quần chúng theo) trùng với Nguyên đường là Mệnh người đó làm công tác quần chúng rất tốt.
Bảng thống kê 8 quẻ “Có quần chúng theo”:
- Quẻ Phục, hào 1 Dương được niềm vui mở đầu.
- Quẻ Sư, hào 2 Dương, như người ở giữa ba quân.
- Quẻ Khiêm, hào 3 Dương, tốt về sau, muôn dân đều phục.
- Quẻ Dự, hào 4 Dương, người có chí lớn làm nên.
- Quẻ Tỷ, hào 5 Dương, được gần gũi công khai.
- Quẻ Tiểu Súc, hào 4 Âm hợp với chí trên (Hào 5 Dương).
- Quẻ Đỉnh, hào 5 Âm lợi về chính bền.
- Quẻ Bác, hào 6 Dương, người lớn đi xe, kẻ nhỏ làm tan nhà của chính nó.
Bảng thống kê 3 quẻ “Bị quần chúng ghét”:
- Quẻ Cấu, hào 1 Âm, vị thế thấp mà ràng buộc cây kim, thì ràng buộc sao được?
- Quẻ Đồng Nhân, hào 2 Âm, chỉ thân với người cùng tông phái nên đáng thẹn.
- Quẻ Quải, hào 6 Âm, chẳng kêu gọi ai được nữa, cuối cùng xấu.
Kết luận chung
Tổng hợp tiêu chuẩn Mệnh hợp cách:
- Thuận mùa sinh thì thịnh, nghịch mùa sinh thì nguy.
- Quẻ và Hào hợp Thời, hợp Nguyệt lệnh, lại được tên quẻ tốt, lời Hào đẹp, được Hào vị, có yểm trợ, thế là Phú Quý song toàn. Trái lại là bần tiện.
- Muốn biết Lớn Nhỏ thì xem Quẻ.
- Muốn biết Sang Hèn thì xem Hào vị cao hay thấp.
- Muốn biết Cát Hung xem ở Hào Âm hay Dương.
- Trị số Âm Dương nếu không hợp (tuổi Âm hào Nguyên đường là Dương, tuổi Dương hào Nguyên đường là Âm) thì cục diện như sau:
- Đối với tuổi Dương, trước cùng khốn sau giàu có
- Đối với tuổi Âm là người trọng lợi, khinh tài.
…………….Xuân Cang